Lũng Cú (Đồng Văn, huyện Mèo Vạc,  tỉnh Hà Giang) là một địa danh thiêng liêng của Tổ quốc. Trên bản đồ Việt Nam, đó là đỉnh một cái “chóp nón” đầy kiêu hãnh của cực Bắc, vùng đất hội tụ hồn thiêng sông núi, nơi trở thành biểu tượng bất khuất, hiên ngang của chủ quyền đất nước.
 
Hành trình khám phá đầy cảm xúc
 
Nếu bạn là người thích du lịch, ưa khám phá hãy làm một cuộc hành trình về cao nguyên đá Lũng Cú - Đồng Văn, đắm mình trong chốn thiên nhiên hùng vĩ, giữa những vách đá cao sừng sững được tô điểm bởi những nếp nhà sàn xinh xắn, những ô ruộng bậc thang đan xen chênh vênh sườn núi, thấp thoáng bóng các cô gái dân tộc Mông trong những bộ váy áo rực rỡ đang cần mẫn làm nương...
 
Chặng đường từ thị xã Hà Giang đến cao nguyên đá Đồng Văn kỳ ảo hơn chúng tôi tưởng tượng. Những đoạn đường khúc khuỷu, chạy men theo các triền núi đá cao sừng sững, một bên là vách đá dựng đứng, một bên là vực sâu thăm thẳm – mang đến cho du khách cảm giác như mình đang đi lạc vào một mê cung trên thiên đường. Du khách sẽ nhận thấy điểm độc đáo ở đây là núi đá chất ngất lưng trời, 3/4 diện tích tự nhiên là đá. Cây ngô tựa vào hốc đá mà lên, cây đậu, cây rau nảy mầm, đơm hoa trong hốc đá. Đến cái giường nằm, cái bếp lò của người Mông cũng kê vào tảng đá; rồi tường bao quanh nhà, chuồng bò, chuồng ngựa tất cả được xếp bằng đá. Vì vậy, mùa đông trên cao nguyên đá này chỉ có một màu đá xám mênh mông.

 

Cột cờ trên đỉnh Lũng Cú
Cột cờ trên đỉnh Lũng Cú
 
Mùa xuân, hoa mận nở trắng rừng Lũng Cú, xen lẫn những hạt sương còn sót lại long lanh dưới tia nắng mặt trời. Dưới thung lũng hoa đào rực lên trong sương sớm, thấp thoáng những dải sa mộc bạt ngàn như hàng ngàn chiếc ô vươn lên bất chấp sương, tuyết, gió lạnh. Nếu đến Lũng Cú vào mùa hè, bạn sẽ thấy những trái lê, táo, mận, đào,... quả to và thơm ngon nổi tiếng được thồ chất trên lưng ngựa mang xuống bán cùng các sản vật khác tại phiên chợ Lũng Cú.
 
Chợ là nơi buôn bán, trao đổi, gặp gỡ và vui chơi của đồng bào miền núi. Con trai đem theo khèn, con gái cõng quẩy tẩu, cắp ô; tiếng lục lạc, tiếng ngựa hí vang cả núi rừng. Nhộn nhịp nhất là các hàng bán váy áo, chỉ thêu, đám phụ nữ hớn hở khoe váy áo mới, khăn mới, đám đàn ông tụ lại thành nhóm thổi khèn lá, khèn bè, đàn môi mời gọi bạn tình, rượu ngô trong vắt rót tràn bát mời nhau bên những nồi thắng cố sôi sùng sục trên bếp lửa hồng. Phiên chợ Lũng Cú là nét văn hoá tiêu biểu của dân tộc miền núi, đã thu hút được các du khách đến tham quan, tìm hiểu ngày càng đông.
 
Cao nguyên đá Đồng Văn - một trong bảy huyện biên giới nghèo “nhiều núi đá ít đất trồng” của tỉnh Hà Giang, nơi sinh sống lâu đời của đồng bào dân tộc Mông và Lô Lô hiện ra trước mắt du khách mênh mông một màu trắng xám của đá. Núi chập trùng từng lớp ken nhau. Những thung lũng xa ngút tầm mắt… Tô điểm giữa thiên nhiên hùng vĩ là những ngôi nhà sàn xinh xắn, những ô ruộng bậc thang đan xen, nằm chênh vênh trên các sườn núi đá. Đâu đó thấp thoáng bóng các cô gái dân tộc Mông trong những bộ váy rực rỡ đang cần mẫn làm nương. Xe ô tô đưa du khách lên mỗi lúc mỗi cao để lại mênh mông những đám mây huyền ảo bên dưới… 
 
Từ xa, Lũng Cú hiện ra thật sinh động: một vùng đất với 3/4 diện tích là đá, nổi bật lên là cột cờ Tổ quốc có hình dáng giống như cột cờ Hà Nội, trông xa giống như một ngọn tháp; xung quanh là phong cảnh núi rừng hùng vĩ, trùng điệp... Khi tới gần, vẻ đẹp nơi đây càng rõ nét hơn: cột cờ được dựng trên đỉnh núi Rồng (Long Sơn), dưới chân cột có khắc phù điêu mang rõ nét hoa văn của trống đồng Ðông Sơn, lá cờ Tổ quốc có chiều dài 9 mét, rộng 6 mét, diện tích 54 mét vuông biểu tượng cho 54 dân tộc Việt Nam, trở thành niềm tự hào của người dân Lũng Cú tung bay kiêu hãnh giữ bầu trời biên cương, in bóng xuống mặt hồ Lô Lô xanh biếc.
 
Huyền thoại xung quanh địa danh Lũng Cú
 
Truyền thuyết kể rằng, thời Tây Sơn, sau khi đại thắng quân xâm lược, hoàng đế Quang Trung đã cho đặt một chiếc trống rất to ở trạm gác vùng biên ải hiểm trở này của đất nước. Cứ mỗi canh, tiếng trống lại vang lên ba hồi đĩnh đạc, vang xa mấy dặm, như một sự khẳng định chủ quyền đất nước. Thời đó, tiếng trống còn là phương tiện thông tin nhanh nhất. Chính vì thế, Lũng Cú khi đọc chệch âm sang âm tiếng Mông là Long Cổ, tức trống của vua. Người ta nói rằng nơi đặt chiếc trống của nhà vua cũng là trạm biên phòng tiền tiêu Lũng Cú bây giờ. Cũng có truyền thuyết rằng ngày xưa có một con rồng thiêng đến ở trên ngọn núi thiêng thuộc vùng đất này, nên Lũng Cú cũng là cách đọc chệnh âm từ Long Cư (nơi rồng ở, hay động của rồng).

 

Bản làng của người dân ở Lũng Cú
Bản làng của người dân ở Lũng Cú
 
Đoạn đường từ Đồn Biên phòng lên cột cờ dài 12km, vẫn quanh co, uốn khúc trên những vách núi trùng điệp, cao ngất. Du khách hồi hộp khi leo lên 286 bậc đá và sẽ hạnh phúc ngất ngây khi được đặt tay vào cột cờ sừng sững ở chót đỉnh Tổ quốc. Vời vợi ở độ cao 1.600 mét so với mực nước biển, trên đỉnh núi Rồng, lá cờ đỏ sao vàng phần phật bay trong nắng gió khẳng định chủ quyền lãnh thổ Việt Nam như ngọn lửa bất diệt, kiêu hãnh canh giữ bầu trời biên cương của Tổ quốc. Một cảm giác rất đỗi tự hào dâng tràn trong lòng du khách đang được đứng ở nơi đã trở thành biểu tượng cho sức sống mãnh liệt của dân tộc Việt Nam qua bốn ngàn năm dựng nước và giữ nước. Đỉnh Lũng Cú - mảnh đất nơi biên cương, nơi hội tụ hồn thiêng sông núi, đã trở thành biểu tượng thiêng liêng của chủ quyền đất nước.
 
Đặng Sinh