leftcenterrightdel
 Du khách tới tham quan Khu du lịch Đường hầm Điêu khắc (Đà Lạt). Ảnh tư liệu: Chu Quốc Hùng/TTXVN

Theo đó, các đơn vị trên địa bàn phải có biện pháp đảm bảo an toàn cho du khách khi đến sử dụng dịch vụ như chủ động rà soát, nâng cao chất lượng phương tiện vận chuyển bằng đường bộ và đường thủy, đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của du khách; thường xuyên kiểm tra các phương tiện, thiết bị tổ chức trò chơi, đặc biệt là thể thao mạo hiểm trước khi phục vụ khách; lắp đặt đầy đủ các nội quy, biển chỉ dẫn, biển báo nguy hiểm tại các khu vực cần thiết; bố trí lực lượng bảo vệ, cứu hộ, nhân viên có kỹ năng chuyên môn phù hợp để hướng dẫn, phục vụ du khách đặc biệt đối với chương trình du lịch thể thao, thể thao mạo hiểm…

Riêng Khu du lịch Quốc gia hồ Tuyền Lâm, Vườn Quốc gia Bidoup - Núi Bà và các khu, điểm du lịch, điểm tham quan, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lâm Đồng yêu cầu tăng cường biện pháp đảm bảo an toàn trong các khu vực có hồ, thác, sông, suối; tuyệt đối không cho các công ty lữ hành tổ chức chương trình du lịch tự phát (cắm trại dã ngoại, thể thao mạo hiểm) trong khu vực quản lý khi chưa có văn bản thống nhất của Sở. 

Từ tháng 6 trở đi bắt đầu vào kỳ nghỉ hè, lượng khách du lịch đến Lâm Đồng - Đà Lạt tấp nập trở lại. Theo thống kê của ngành Du lịch thành phố Đà Lạt, trong tháng 6/2022, thành phố ngàn hoa đã đón khoảng 500.000 lượt khách đến tham quan, nghỉ dưỡng, tăng gần 23 lần so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, khách nội địa ước khoảng 494.000 lượt, khách quốc tế cũng bắt đầu tăng trở lại với 6.000 lượt.

Đáng chú ý, mùa cao điểm du lịch hè cũng là mùa mưa lũ ở Tây Nguyên, tiềm ẩn nhiều rủi ro cho du khách khi đi tham quan, vui chơi hoạt động ngoài trời, đặc biệt là các tuyến tham quan có hồ, thác nước, du lịch thể thao mạo hiểm… Những năm gần đây, hầu như dịp hè nào cũng xảy ra sự cố gây thiệt hại về người và tài sản của du khách khi đến địa bàn Đà Lạt - Lâm Đồng.

Theo TTXVN