leftcenterrightdel
 Du khách quốc tế thích thú tìm hiểu văn hóa bản địa ở Việt Nam. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Theo báo cáo từ Tổng cục Du lịch, trong 6 tháng đầu năm 2023, du lịch Việt Nam đã đón được 5,6 triệu lượt khách quốc tế, riêng tháng Sáu đạt 975.010 lượt khách (tăng 6,4% so với tháng 5/2023).

Đáng nói, trong tháng Sáu, du lịch Việt cũng đón nhận nhiều tin vui, góp phần tạo động lực giúp toàn ngành phục hồi mạnh mẽ hơn thời gian tới.

Hàn Quốc – thị trường lớn của du lịch Việt

Số liệu thống kê của Tổng cục Du lịch cho thấy Hàn Quốc tiếp tục là thị trường khách quốc tế lớn nhất của Việt Nam. Liên tục trong 6 tháng đầu năm, Hàn Quốc luôn đứng vị trí thứ nhất, với hơn 1,6 triệu lượt khách trên tổng số gần 5,6 triệu lượt khách quốc tế (so cùng kỳ 2019 lượng khách gần bằng 80%); riêng trong tháng Sáu tăng 15% so với tháng Năm và bằng gần 90% năm 2019, trước đại dịch COVID-19.

Xếp sau Hàn Quốc lần lượt là các thị trường: Trung Quốc, Đài Loan, Mỹ, Malaysia, Nhật, Singapore, Campuchia, Thái Lan và Australia.

Đáng chú ý, du khách Mỹ đến Việt Nam trong tháng Sáu ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng, tăng 52% so với tháng Năm, đạt hơn 66.000 lượt khách trong sáu tháng đầu năm. Các chuyên gia nhận định đây là nhóm khách tiềm năng, bởi người Mỹ có sở thích du lịch mạo hiểm, khám phá thiên nhiên, văn hóa bản địa. Trong khi đó, Việt Nam lại sở hữu nhiều lợi thế gắn với nhu cầu du lịch của nhóm khách này.

leftcenterrightdel
 Khách Hàn Quốc liên tục dẫn đầu thị trường khách quốc tế đến Việt Nam 6 tháng qua. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Du khách Mỹ cũng thường chi tiêu cao và thích du lịch dài ngày. Do đó, các doanh nghiệp du lịch Việt cần nắm bắt xu thế để có thể đón đầu phục vụ thị trường tiềm năng này.

Các thị trường có lượng khách giảm so với tháng Năm có: Pháp (giảm 41%), Hong Kong (giảm 37%), Bỉ (giảm 33%), Italy (giảm 31%), Canada giảm (31%), Thụy Sỹ (giảm 28%), Hà Lan (giảm 27%), Đan Mạch (giảm 22%).Ngoài ra, trong 6 tháng đầu năm, số lượt người Việt xuất cảnh đạt 2,4 triệu lượt người, gấp gần 4 lần cùng kỳ năm trước và bằng 71,5% so với cùng kỳ năm 2019.

Theo Tổng cục Thống kê, nửa đầu năm 2023, khu vực dịch vụ lưu trú và ăn uống là một trong những ngành có đóng góp tỷ trọng lớn vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm toàn nền kinh tế. Cụ thể, khu vực dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng 15,14%, đóng góp 0,37 điểm phần trăm.

Sáu tháng đầu năm 2023, doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống ước đạt 321,7 nghìn tỷ đồng (tăng 18,7% so với cùng kỳ 2022). Trong số đó, Khánh Hòa có mức tăng cao nhất (51%), tiếp theo là Đà Nẵng (39,1%), Cần Thơ (37,5%), Quảng Ninh (36,9%).

Doanh thu từ lữ hành 6 tháng đầu năm 2023 ước đạt 14,5 nghìn tỷ đồng (tăng 65,9% so với cùng kỳ 2022); trong đó Đà Nẵng có mức tăng cao nhất là 174%, tiếp theo là Hà Nội (106,9%), Hải Phòng (93,2%), Thành phố Hồ Chí Minh (78,5%).

leftcenterrightdel
 Du khách quốc tế thích trải nghiệm văn hóa bản địa ở những vùng cao của Việt Nam. (Ảnh: Mai Mai/Vietnam+)

Liên tiếp nhiều tin vui…

Dữ liệu từ công cụ theo dõi xu hướng du lịch của Google cho thấy từ đầu năm tới nay, lượng tìm kiếm về du lịch Việt Nam liên tục tăng, giúp Việt Nam vươn lên top đầu thế giới (từ vị trí 11 lên vị trí thứ 6), trở thành là điểm đến duy nhất ở khu vực Đông Nam Á nằm trong nhóm này. Việt Nam có mức tăng trưởng ở nhóm 10%-25%, xếp thứ 6 trên thế giới, cao hơn nhiều so với mức tăng trưởng chung của khu vực Đông Nam Á.

Mỹ, Nhật Bản, Australia, Ấn Độ, Hàn Quốc, Singapore, Anh, Malaysia, Đức và Pháp là các thị trường khách quan tâm nhiều nhất đến du lịch Việt đồng thời là những thị trường trọng điểm của du lịch Việt Nam.

Lãnh đạo Tổng cục Du lịch nhận định điều này cho thấy nhu cầu của khách quốc tế về du lịch nước nhà đang phục hồi nhanh, ở tốc độ cao hơn nhiều so với các đối thủ cạnh tranh trong khu vực. Do đó, Việt Nam có cơ hội tốt để thu hút khách quốc tế trong thời gian tới, phục hồi mạnh mẽ nền kinh tế xanh.

Đặc biệt, Quốc hội vừa chính thức thông qua chính sách kéo dài thời hạn thị thực (visa) điện tử từ 30 ngày lên 90 ngày, có giá trị nhập cảnh nhiều lần; nâng thời hạn tạm trú cho người nhập cảnh theo diện đơn phương miễn thị thực từ 15 ngày lên 45 ngày.

Chính sách này sẽ có hiệu lực từ ngày 15/8/2023. Ngoài ra, Chính phủ cũng đang xem xét mở rộng diện miễn thị thực đơn phương nhằm thu hút khách quốc tế đến Việt Nam.

leftcenterrightdel
 Du khách quốc tế thăm quan Văn Miếu-Quốc Tử Giám. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Bên cạnh đó, trong tháng Sáu, du lịch nước nhà cũng đón nhận nhiều tin vui. Lần đầu tiên Michelin Guide dừng chân ở Việt Nam, vinh danh 103 nhà hàng, quán ăn trên bản đồ ẩm thực thế giới, trong đó có 4 quán ăn dành 1 sao Michelin.

Chuyên trang du lịch The Travel của Canada cũng lựa chọn Việt Nam là 1 trong 10 quốc gia lý tưởng hàng đầu có giá cả phải chăng để làm việc từ xa trên toàn thế giới (Việt Nam sếp thứ 7 trong danh sách này).

Lãnh đạo Tổng cục Du lịch đánh giá những chính sách mới mang tính đột phá sẽ góp phần tạo thuận lợi về thị thực, xuất nhập cảnh cùng xu hướng thị trường chuyển biến tích cực đồng thời với những "cú hích" đến từ bên ngoài, ngành du lịch sẽ sớm thu hút lượng lớn khách ngoại đến Việt Nam thời gian tới, ngay trong mùa cao điểm du lịch quốc tế sẽ bắt đầu vào khoảng tháng Chín./.

Theo TTXVN/Vietnam+