Viết về tuyến hành trình thư giãn bằng tàu hỏa với toa tàu hạng sang mới mở ở Việt Nam, hãng tin Mỹ CNN nhấn mạnh, cảnh quan thiên nhiên ven biển tuyệt đẹp kết nối các điểm đến nghỉ dưỡng nổi tiếng Nha Trang và Quy Nhơn ở miền Trung Việt Nam.

Không chỉ là ngồi thư giãn trên ghế tàu, du khách sẽ được thưởng thức khung cảnh thiên nhiên tươi đẹp phía đường chân trời bên ngoài ô cửa sổ suốt dọc hành trình.

Theo các chuyên gia đường sắt, ngày càng nhiều du khách hạng sang muốn trải nghiệm cảm giác này, trong xu hướng có sự thay đổi toàn cầu hướng tới các hoạt động du lịch chậm hơn và bền vững hơn, CNN viết.

leftcenterrightdel
 Toa tàu hạng sang The Vietage by Anantara. Nguồn: @ThaiTrainGuide.
leftcenterrightdel
 Dịch vụ du ngoạn trên toa tàu hạng sang khai thác tuyến đường sắt xuyên Việt. Nguồn: Anantara.

Anantara, tập đoàn toàn cầu sở hữu các khách sạn và resort sang trọng, độc đáo trên các bãi biển nổi tiếng, hải đảo hay vùng quê, hoặc trên cồn cát sa mạc... hiện đang khai thác nhu cầu này.

Với thương hiệu khách sạn cao cấp mang đến trải nghiệm du ngoạn tàu hỏa sang trọng kéo dài 5 giờ ở vùng biển nắng gió miền cực Nam Trung bộ của Việt Nam, kết nối các điểm đến nghỉ dưỡng nổi tiếng Nha Trang (Khánh Hòa) và Quy Nhơn (Bình Định).

Toa tàu hạng sang “The Vietage by Anantara” đầu tiên ra mắt vào năm 2020, hành trình kéo dài 6 giờ nối Đà Nẵng và Quy Nhơn.

Ở tuyến du ngoạn bằng tàu hỏa thứ hai này, du khách sẽ có nhiều cơ hội chiêm ngưỡng khung cảnh thiên nhiên hơn của Việt Nam bởi hầu hết hành trình có view biển

leftcenterrightdel
 Quầy bar trên toa tàu The Vietage by Anantara. Nguồn: @ThaiTrainGuide.
leftcenterrightdel
 Bên trong toa tàu hạng sang. Nguồn: The Vietage by Anantara.

Giống như toa tàu Vietage của tuyến đầu tiên, tuyến du ngoạn thứ hai cũng được khai thác trên tuyến đường sắt thương mại xuyên Việt.

Bà Kate Jones, người đứng đầu bộ phận PR và quảng cáo của Anantara tại Việt Nam cho biết, điểm khác biệt chính là tuyến đường mới nối Nha Trang và Quy Nhơn đi qua nhiều vùng ven biển hơn so với hành trình giữa Đà Nẵng và Quy Nhơn.

“Không gian biển là điểm nhấn của toàn bộ hành trình kéo dài 5 giờ với rất nhiều vịnh biển thực sự ấn tượng và những bãi biển tuyệt đẹp hướng ra Biển Đông. Tuy vậy vẫn có không gian rừng núi với cánh đồng lúa và những ao sen.”, bà Kate thông tin.

leftcenterrightdel
 Khoang dành cho 4 người. Nguồn: @ThaiTrainGuide.
leftcenterrightdel
 Ngoài view biển là chủ đạo trong suốt hành trình, du khách còn có thể bắt gặp các khung cảnh núi non, cánh đồng lúa, ao sen... rất đặc trưng của Việt Nam. Nguồn: The Vietage by Anantara.

Theo Anantara, với du ngoạn thư giãn, đây là cách di chuyển chậm rãi nhất. Các đoàn tàu đạt tốc độ trung bình chỉ 51,9 km/h .

Với tốc độ như vậy sẽ giúp du khách được hưởng cảm giác "sống chậm" để thưởng thức set trà chiều miễn phí, bao gồm trứng cá tầm địa phương, pho mai thủ công Việt Nam, tuyển chọn các món thịt nguội và trà Việt Nam hảo hạng.

Trong hành trình kéo dài 6 giờ giữa Đà Nẵng và Quy Nhơn, hành khách được phục vụ bữa ăn đặc sản gồm 3 món đặt trước.

Khách trên cả hai tuyến còn được nhận đồ ăn nhẹ miễn phí, rượu vang không giới hạn, cocktail, mocktail, trà, cà phê và nước ngọt, cùng với 15 phút trị liệu đầu và vai.

leftcenterrightdel
 Khoang dành cho 2 người. Nguồn: @ThaiTrainGuide.
leftcenterrightdel
 Thưởng thức trà, cà phê hảo hạng của Việt Nam cùng thức ăn nhẹ. Nguồn: The Vietage by Anantara.

Toa tàu Vietage được trang bị quầy bar, phòng vệ sinh và sáu khoang riêng có hai chỗ ngồi, mỗi khoang đều có ổ cắm điện, Wi-Fi miễn phí và giỏ đựng đồ vệ sinh cá nhân với gối, chăn và các vật dụng cần thiết khác.

Theo bà Kate, vượt ra khỏi ý nghĩa của hoạt động di chuyển đơn thuần giữa hai điểm A- B, chuyến du ngoạn bằng toa tàu hạng sang, ngoài mang lại hành trình thư giãn, hành khách đi đường sắt còn có được những hiểu biết trực quan thực sự về đất nước Việt Nam, chiêm ngưỡng những khung cảnh làng quê thanh bình, những hình ảnh ngư dân quăng lưới, nông dân lao động trên cánh đồng với trâu nước, những điều du khách khó có thể trải nghiệm ở nơi nào trên thế giới.

Văn Phong (theo CNN)