leftcenterrightdel
 Đỉnh núi Bà Đen với nhiều công trình tạo dấu ấn hút khách du lịch.

Trong 5 ngày của kỳ nghỉ lễ 30/4 - 1/5, các khu, điểm du lịch trên địa bàn đã đón hơn 110.000 lượt khách, tăng 12% so cùng kỳ năm 2023; doanh thu du lịch ước đạt 74 tỷ đồng. Lượng khách tham quan tăng đã thúc đẩy tăng trưởng các ngành, dịch vụ khác. Công suất đặt phòng tại các cơ sở lưu trú trên địa bàn đạt từ 75 - 80%.

Khu du lịch Quốc gia núi Bà Đen vẫn đang là biểu tượng, là nơi tạo sức hút mới cho ngành Du lịch Tây Ninh. Gắn liền với hệ thống Chùa Bà hơn 300 năm tuổi và các công trình tâm linh kỳ vĩ ở độ cao 986 m trên đỉnh núi, nơi đây trở thành điểm đến văn hóa, tâm linh đặc sắc bậc nhất khu vực Đông Nam Bộ. Ngoài ra, nhiều hoạt động biểu diễn văn hóa nghệ thuật độc đáo thể hiện nếp sống sinh hoạt bình dị của người dân Tây Ninh thường xuyên được tổ chức, tạo ra trải nghiệm mới lạ cho du khách đến địa phương.

Các hoạt động như: Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây, điệu múa trống Chhay-dăm của người Khmer, biểu diễn nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ do các nghệ nhân biểu diễn đã tái hiện sinh động nét văn hóa đa dạng của Tây Ninh trên đỉnh núi Bà Đen diễn ra trong suốt dịp lễ. Vào mỗi tối thứ Bảy hàng tuần, Sun World Ba Den Mountain đều tổ chức nghi thức dâng đăng - một nghi thức cầu an thiêng liêng trên đỉnh núi Bà Đen. Đặc biệt, lần đầu tiên show biểu diễn nhạc nước kết hợp các hiệu ứng âm thanh, ánh sáng được tạo ra bởi 400 máng phun, 800 van điện từ tạo thác nước, 360 bơm với nhiều dải công suất điều chỉnh linh hoạt, 290 vòi phun các loại sử dụng công nghệ phun tiên tiến hàng đầu thế giới cùng 1.450 đèn chiếu sáng chuyên dụng đã được tổ chức trước tượng phật Di Lạc trên đỉnh núi Bà Đen.

Những ngày nắng hạn kéo dài khiến Tây Ninh có thời điểm nắng nóng cực điểm, từ 39 - 40 độ C. Tuy nhiên, nhờ cây xanh bao phủ khiến nhiệt độ trên đỉnh núi Bà Đen luôn thấp hơn khu vực thành phố từ 8 -10 độ C, trở thành nơi “trốn nóng” lý tưởng của nhiều du khách muốn trải nghiệm săn mây, giải nhiệt.

Dù mới trải nghiệm lần đầu đến đỉnh núi, chị Nguyễn Bích Ngọc (ngụ tỉnh Đồng Nai) không giấu được cảm xúc hân hoan khi nhiệt độ ở độ cao 986 m trở thành địa điểm lý tưởng cho hành trình khám phá. Chị Ngọc cho biết, chị khá bất ngờ trước sự kỳ vĩ của núi Bà Đen. Chị ấn tượng nhất là ngắm nhìn công trình tôn tượng Phật Bà Tây Bổ Đà Sơn bằng đồng cao 72 m; tượng Phật Di Lặc cao 36 m được ghép từ 6.688 viên đá sa thạch tự nhiên như ruộng bậc thang; chiêm bái xá lợi Phật Thích Ca…

Với chị Nguyễn Mỹ Hạnh (ngụ tỉnh Đồng Tháp), tuy không phải là lần đầu đến Tây Ninh nhưng vẫn ngỡ ngàng trước sự thay đổi từng ngày của núi Bà Đen. Theo chị Hạnh, mỗi một lần đến đây, chị lại có một cảm giác mới mẻ, đặc biệt. Chị càng ấn tượng hơn khi Tây Ninh đầu tư đồng bộ hạ tầng giao thông cùng với du lịch. Thời gian tới, chị hy vọng mục tiêu xây dựng sân bay quốc tế của tỉnh Tây Ninh sẽ thành hiện thực. Từ đó, giúp tỉnh có cơ hội quảng bá, thu hút đông du khách nước ngoài đến địa phương.

Theo bà Đào Thị Việt, Phó Giám đốc Sun World Ba Den Mountain, đúng dịp kỷ niệm 49 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024), Sun World Ba Den Mountain chính thức cán mốc 3 triệu lượt khách đi cáp treo lên núi Bà Đen (tính từ đầu năm đến nay). Sự kiện đặc biệt này cùng với việc trải nghiệm nhiều sản phẩm liên tục được làm mới, Khu du lịch Quốc gia núi Bà Đen sẽ góp phần đưa du lịch Tây Ninh vượt kế hoạch đón 5,5 triệu lượt khách trong năm 2024.

Xác định du lịch là một trong những đột phá để phát triển kinh tế - xã hội, Tây Ninh đã và đang tập trung nhiều giải pháp, nguồn lực để tạo nên sức bật mới cho ngành Du lịch, đặt mục tiêu phấn đấu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh vào năm 2030. Vừa qua, Hiệp hội Du lịch và Trung tâm Xúc tiến du lịch 3 tỉnh Bình Dương, Tây Ninh, Bình Phước đã tổ chức đoàn khảo sát kết hợp trao đổi, góp ý hoàn thiện những sản phẩm dịch vụ du lịch năm 2024 trong tour “1 cung đường - 3 điểm đến”. Tour đặc biệt này nhằm khai thác thế mạnh các sản phẩm đặc thù, tiêu biểu trên địa bàn 3 tỉnh Bình Dương, Bình Phước và Tây Ninh; đồng thời, giúp xây dựng, phát triển các loại hình du lịch công nghiệp, đường sông, làng nghề truyền thống, vui chơi giải trí, văn hóa… đáp ứng nhu cầu tham quan, tìm hiểu của du khách.

Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Tây Ninh, để hoàn thành các mục tiêu đề ra cho ngành Du lịch, tỉnh sẽ tăng cường các chính sách đột phá để thu hút nhà đầu tư; tăng cường đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng, cơ sở vật chất phục vụ du lịch; đa dạng hóa và nâng cao chất lượng các loại hình sản phẩm phù hợp với tiềm năng, lợi thế của địa phương.

Theo TTXVN/Báo Tin tức