(BVPL) - Khách du lịch khi tới thăm thành phố Cần Thơ sẽ không thể bỏ qua chợ nổi Cái Răng – một trong ba ngôi chợ nổi lớn nhất ở nơi đây. Nét độc đáo chính của ngôi chợ này chính là chuyên buôn bán các loại trái cây, đặc sản của vùng đồng bằng sông Cửu Long. Chợ nổi đã thu hút nhiều du khách trong và ngoài nước, được Tạp chí du lịch Rough Guide của Anh bình chọn là một trong 10 chợ ấn tượng nhất thế giới.
|
Một góc phiên chợ nổi tấp nập- Nguồn: internet |
“Chợ đã nổi từ nửa đêm về sáng
Ta vẫn chìm từ giữa bữa hoàng hôn
Em treo bẹo Cái Răng, Ba Láng
Ta thương hồ Vàm Xáng, Cần Thơ”
Chợ nổi Cái Răng nằm trên sông Cái Răng, gần cầu Cái Răng, cách trung tâm thành phố Cần Thơ khoảng 6 km đường bộ và mất 30 phút nếu đi bằng thuyền từ Bến Ninh Kiều (thành phố Cần Thơ - thủ phủ của Tây Đô cũ).
Cũng như những chợ nổi khác ở Đồng bằng sông Cửu Long, chợ được hình thành để đáp ứng nhu cầu mua bán, trao đổi hàng hóa khi đường bộ và các phương tiện lưu thông đường bộ chưa phát triển. Người ta tụ tập trên sông và bằng các phương tiện như xuồng, ghe, tắc ráng... Ngày nay, dù mạng lưới giao thông đường bộ đã phát triển rộng khắp nhưng chợ nổi vẫn tồn tại và phát triển ngày một sầm uất hơn mang lại tiềm năng về kinh tế lẫn du lịch miền tây sông nước này.
Chợ thường họp khá sớm, thường là từ lúc mờ sáng và đến khoảng 8, 9 giờ thì vãn. Những loại hàng hóa được bày bán trên ghe, thường thì mỗi ghe sẽ chuyên bán một loại mặt hàng. Trước mỗi ghe hàng, thường có một cây xào chống, trên đó treo loại mặt hàng mà ghe có. Nếu ghe chuyên bán khoai lang thì trên cây xào sẽ treo lủng lẳng vài quả khoai, còn nếu ghe bán xoài thì trên cây xào sẽ có treo vài quả xoài, những ghe như vậy được gọi là ghe bẹo. Hình ảnh cây bẹo đã trở thành nét văn hóa của vùng sông nước, đồng thời là một phương thức tiếp thị và quảng cáo hàng hóa hết sức thú vị. Nhiều du khách khi đến chợ nổi đã tỏ ra rất thích thú với hình ảnh cây bẹo chào hàng.
|
Các loại hoa quả treo trên cây bẹo . Nguồn: internet |
Đến chợ nổi Cái Răng, nhiều du khách rất ngạc nhiên khi chứng kiến cảnh tàu, ghe di chuyển nhiều lần va chạm nhau, nhưng không ai phiền hà; việc giao dịch trao đổi hàng hóa rất ít khi xảy ra cãi cọ, lại càng hiếm có chuyện xung đột, ẩu đả. Những nét đẹp ấy thể hiện tính tự quản của cộng đồng cư dân sông nước, góp phần làm cho chợ nổi Cái Răng tồn tại đến nay.
|
Một chiếc ghe chở đầy hoa quả tươi hấp dẫn . Nguồn: internet |
Ngoài ra, nguyên tắc mua bán ở nơi đây là bớt kỳ kèo, bớt nói thách về giá cả để người bán và người mua đều có lợi, tiết kiệm được thời gian, hạn chế chi phí, đưa nhanh hàng hóa đến nơi cần thiết. Mọi người đều ngầm hiểu các quy ước và thông lệ mua bán trên sông nên đã tự thỏa thuận, vạch ra một công thức, trật tự giao thương cho mình, trở thành một “văn hóa chợ nổi” độc đáo và riêng biệt.
Thuỳ Hương (t/h)