|
|
Đội tuyển U19 Việt Nam được kỳ vọng sẽ lập nên kỳ tích mới |
Năm 2014, lứa cầu thủ trẻ Myanmar được tỷ phú Zaw Zaw dày công chăm bẵm đã gây bất ngờ khi lọt vào Bán kết ở VCK U19 châu Á diễn ra trên sân nhà, để qua đó góp mặt ở sân chơi World Cup. Hai năm sau, đội tuyển U19 Việt Nam của huấn luyện viên (HLV) Hoàng Anh Tuấn cũng gây sốc khi đánh bại chủ nhà U19 Bahrain 1-0 ở Tứ kết để lần đầu tiên góp mặt ở sân chơi thế giới.
Trước đó, Đông Nam Á từng có hai đội dự VCK U20 thế giới là Indonesia (năm 1979) và Malaysia (1997), tuy nhiên, cách mà cả hai đội này góp mặt đều không thuyết phục bằng. Tại VCK U19 châu Á năm 1978, U19 Indonesia bị loại ở Tứ kết, nhưng lại được chọn thay thế U19 Iraq vì nước này xảy ra chiến tranh.
Nhưng điều gây tranh cãi đến tận bây giờ là tại sao hai đội lọt vào Bán kết là U19 Kuwait và U19 Triều Tiên không được thay thế, mà lại là U19 Indonesia. Rốt cuộc, ở VCK, U19 Indonesia thua tan tác 3 trận với hiệu số bàn thắng bại là 0-16. Còn Malaysia dự VCK World Cup U20 năm 1997 với tư cách đội chủ nhà, và sau đó cũng thua cả 3 trận, với hiệu số bàn thắng bại là 2-9.
Cách mà U19 Myanmar và U19 Việt Nam giành vé dự World Cup U20 rõ ràng là thuyết phục hơn nhiều. Đó là thành quả của sự đầu tư đúng đắn, chiến thuật hợp lý của HLV, cũng như nỗ lực tuyệt vời từ phía các cầu thủ.
Và ở cấp độ bóng đá trẻ, ngay cả những đội hàng đầu châu lục cũng không phải lúc nào cũng giữ được sự ổn định về phong độ và bản lĩnh, nên những bất ngờ cũng dễ dàng xảy ra hơn. Ngoài ra, một số đội cũng không có được lực lượng mạnh nhất. Lý do: giải đấu này thường xuyên diễn ra vào tầm tháng 10, tháng 11, khi mùa giải đang diễn ra, và các CLB không muốn "nhả" những trụ cột của mình.
Con đường đến sân chơi thế giới ở cấp độ bóng đá trẻ rõ ràng là dễ dàng hơn ở cấp độ đội tuyển quốc gia, nơi sự chênh lệch đẳng cấp đã lớn hơn rất nhiều, đồng thời cũng phải trải qua nhiều giai đoạn vòng loại hơn. Vì thế, một đội bóng lọt vào VCK U19 châu Á hoàn toàn có thể mơ tấm vé World Cup U20.
Tại các giải 2014 và 2016, U19 Myanmar và U19 Việt Nam đều bị đánh giá thấp nhất trong số các đội bóng tham dự, nhưng họ đã lần lượt tạo nên những cú sốc thực sự. Tại giải lần này, U19 Đài Loan bị đánh giá kém nhất. Họ mới trở lại VCK U19 châu Á sau... 44 năm.
Liệu U19 Đài Loan (Trung Quốc) có thể tạo địa chấn? Thực tế, họ lọt vào VCK năm nay vì rơi vào một bảng vòng loại quá dễ dàng. Dù thua U19 Việt Nam 1-2, nhưng hai chiến thắng trước U19 Lào và U19 Macau (Trung Quốc) cùng với tỷ số 2-0 là đủ để họ đi tiếp với tư cách 1 trong 5 đội nhì bảng xuất sắc nhất.
Để chuẩn bị cho VCK, U19 Đài Loan (Trung Quốc) đã triệu tập 3 cầu thủ tại châu Âu là Will Donkin (Crystal Palace), Miguel Sandberg, và Karl Josefsson (cùng Djurgardens). Tuy nhiên, bộ ba này chỉ mới tập trung cùng đội và khó lòng tạo ra khác biệt, dù có thể, họ nhỉnh hơn các đồng đội về thể lực cũng như trình độ kỹ chiến thuật.
Sau chiến tích 2 năm về trước, các đội bóng châu lục đã dành cho U19 Việt Nam với một cái nhìn tôn trọng hơn. Song phải thừa nhận rằng lứa cầu thủ năm nay không được đánh giá cao như 2 năm trước. Chính HLV Hoàng Anh Tuấn cũng rất khiêm tốn khi thừa nhận U19 Việt Nam là đội yếu nhất ở bảng C.
Tương tự là các đại diện Đông Nam Á khác như U19 Thái Lan, U19 Malaysia, và chủ nhà U19 Indonesia. Tuy nhiên, Indonesia là đội có khả năng vào Tứ kết nhất, bởi họ có lợi thế chủ nhà và nằm ở bảng đấu được xem là dễ nhất, với U19 Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), U19 Qatar, và U19 Đài Loan (Trung Quốc).
* Các bảng đấu của VCK U19 châu Á 2018:
Bảng A: U19 Indonesia, U19 UAE, U19 Qatar, và U19 Đài Loan (Trung Quốc).
Bảng B: U19 Nhật Bản, U19 Iraq, U19 Thái Lan, U19 Triều Tiên
Bảng C: U19 Việt Nam, U19 Hàn Quốc, U19 Australia, U19 Jordan
Bảng D: U19 Saudi Arabia, U19 Tajikistan, U19 Trung Quốc, U19 Malaysia.
Theo TTXVN/vietnam+