|
|
Những chuyến tập huấn chuẩn bị cho Olympic Tokyo của Huy Hoàng phải hủy bỏ. Ảnh: TTXVN |
Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 đang hoành hành trên toàn cầu, chủ nhà Nhật Bản đã quyết định dời Olympic 2020 sang năm 2021 nhằm bảo vệ sức khỏe các đội tuyển tham dự. Quyết định này được hầu hết quốc gia ủng hộ, dù làm đảo lộn mọi kế hoạch tập luyện của các VĐV.
Với thể thao Việt Nam, năm 2021 cũng là năm diễn ra SEA Games lần thứ 31, mà Hà Nội là thành phố đăng cai tổ chức. Với việc lùi Thế vận hội sang mùa hè năm sau, thể thao Việt Nam sẽ có nửa cuối năm 2021 đầy bận rộn. Thể thao Việt Nam sẽ đặt mục tiêu kép cho 2 giải đấu trọng điểm này diễn ra trong cùng một năm.
Việt Nam hiện có 5 VĐV chính thức dự Olympic Tokyo. Đội tuyển bắn cung Việt Nam sớm giành vé dự Olympic với 2 suất của Đỗ Thị Ánh Nguyệt (nữ), Nguyễn Hoàng Phi Vũ (nam) đều ở nội dung cung 1 dây. Đội tuyển bơi cũng đóng góp 1 suất chính thức của kình ngư Nguyễn Huy Hoàng (anh đạt 2 chuẩn A Olympic). Thể dục dụng cụ với sự góp mặt của Lê Thanh Tùng và "gương mặt mới" Nguyễn Văn Đương ở môn boxing.
Việc lùi thời gian thi đấu xuống 1 năm khiến kế hoạch tập luyện của các VĐV bị đảo lộn. Các giáo án tập luyện sẽ phải làm lại bởi phong độ của VĐV từng thời điểm khác nhau nên mỗi một thời điểm phải có sự đánh giá lại, nhằm đưa ra hướng huấn luyện sao cho phù hợp nhất.
Trước mắt, do dịch COVID-19 đang lan rộng khiến những chuyến tập huấn của các đoàn phải hủy bỏ.
Bên cạnh những khó khăn về lịch thi đấu, tập huấn, với một số đội tuyển, việc "kéo dài" thời gian cho Olympic có thể sẽ mang đến một số ích lợi. Đây được xem là "cơ hội" để các VĐV có thêm thời gian rèn giũa kỹ chiến thuật lẫn tâm lý. Hoãn Olympic, họ sẽ có thêm điều kiện trau dồi kỹ thuật để nhuần nhuyễn hơn. Với nhiều VĐV, họ sẽ có cơ hội đi tập huấn dài hạn, thi đấu ở nước ngoài để hướng đến thành tích cao ở Olympic.
|
|
Đây được xem là cơ hội để những VĐV trẻ như Nguyễn Văn Đương có thêm thời gian rèn giũa kỹ chiến thuật lẫn tâm lý cho đấu trường lớn Olympic. Ảnh: TTXVN |
Đây được xem là cơ hội để những VĐV trẻ như Nguyễn Văn Đương có thêm thời gian rèn giũa kỹ chiến thuật lẫn tâm lý cho đấu trường lớn Olympic. Ảnh: TTXVN
Đây cũng được xem là cơ hội giúp những VĐV trọng điểm khác sẽ có thêm các giải đấu vòng loại để tìm kiếm cơ hội giành suất chính thức tới Tokyo, giúp thể thao Việt Nam hoàn thành chỉ tiêu 20 VĐV tham dự.
Theo lãnh đạo Tổng cục cục TDTT, tình hình dịch bệnh hiện nay việc dời Olympic nằm trong dự báo của Việt Nam. Thể thao Việt Nam sẽ bận rộn vào năm 2021 khi vừa đấu Olympic vừa lo cho công tác chủ nhà ở SEA Games 31. Việc hoãn Olympic không ảnh hưởng nhiều đến thể thao Việt Nam bởi đằng nào chúng ta cũng phải chuẩn bị tốt cho SEA Games 31 diễn ra cuối năm. Vì thế công tác chuẩn bị cho VĐV vừa dự Olympic sau đó tham dự SEA Games mang tính liên thông. Thậm chí nếu nhìn ở mặt tích cực là cơ hội để các VĐV có thêm thời gian tập huấn cho cả hai đại hội.
Sau quyết định của Ban tổ chức Olympic, các liên đoàn thể thao quốc tế còn điều chỉnh lịch thi đấu vòng loại Olympic, Việt Nam sẽ theo dõi để kịp thời nắm bắt, cử VĐV tham dự để tiếp tục săn vé đến Tokyo.
Cũng theo lãnh đạo Tổng cục TDTT, dịch COVID-19 ảnh hưởng lớn đến các giải đấu trong nước của thể thao Việt Nam khi nhiều giải đấu phải hủy, hoãn trong tháng 3 và chưa biết có thể trở lại khi nào khi dịch bệnh chưa thể kiểm soát. Tổng cục TDTT sẽ theo dõi kỹ tình hình dịch bệnh, kịp thời phối hợp tổ chức các giải đấu ngay khi điều kiện cho phép nhằm giúp các VĐV cọ xát, rèn chuyên môn, tuyển chọn thêm tài năng bổ sung cho đội tuyển làm nhiệm vụ ở Olympic lẫn SEA Games.
Quãng nghỉ 5 tháng giữa Olympic Tokyo và SEA Games 2021 đủ giúp VĐV thay đổi chu trình, kế hoạch tập luyện nhằm đạt thành tích tốt nhất ở cả hai giải đấu có cấp độ, tính chất khác nhau này.