Man Utd thi đấu như đứa trẻ U10

“Man Utd đá bóng giống như những đứa trẻ U10 vậy” - Paul Scholes cay đắng nhận xét sau khi chứng kiến đội bóng thân yêu thất bại trước đội bóng yếu nhất bảng Istanbul Basaksehir ở Champions League.

leftcenterrightdel
 Cả 11 cầu thủ Man Utd dồn lên trong tình huống phạt góc đầu trận. Cần nói thêm rằng HLV Solskjaer cũng đứng ngoài đường piste nhưng không hề có chỉ đạo.

Chỉ trước đó vài ngày (sau khi Man Utd thua Arsenal), huyền thoại khác của Man Utd là Roy Keane từng tuyên bố: “HLV Solskjaer sẽ bị sa thải nếu như các cầu thủ Man Utd cứ thi đấu như vậy”. Solskjaer đáp trả lại đanh thép: “Roy Keane có quyền đưa ra chính kiến nhưng tôi vẫn tin vào lực lượng đang sở hữu”.

Nhưng khi Solskjaer nói còn chưa dứt lời, Man Utd lại “đùa giỡn” với tương lai của ông, với lối chơi mà người ta không biết họ đang họ đang “đá thật hay đá đùa”. Nói vậy bởi lẽ, nếu đá thật (đúng tầm của CLB) thì không ai có thể chấp nhận nổi những sai lầm ngớ ngẩn như vậy.

HLV Solskjaer khẳng định muốn “ăn tươi nuốt sống” Istanbul Basaksehir bằng việc bố trí ra sân đội hình chuyên về tấn công. Chỉ có duy nhất Matic thi đấu trong vai trò “máy quét” (và đồng thời cũng là người phát triển bóng từ dưới). Còn lại, tất cả đều phục vụ nhiệm vụ tấn công.

Cần nói thêm rằng, HLV người Na Uy không sai khi bố trí đội hình như vậy. Nhưng điều đáng nói, dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào, Quỷ đỏ không được phép quên nhiệm vụ phòng thủ. Đó cũng là quan điểm của Paul Scholes, Rio Ferdinand hay Van Persie sau trận đấu.

Hãy thử chứng kiến bàn thua đầu tiên của Man Utd, mọi thứ giống hệt một trò đùa. Trong tình huống tổ chức phạt góc ở đầu trận (phút thứ 10), Quỷ đỏ dồn cả 11 cầu thủ sang phần sân đối phương. Trong đó, cả 4 hậu vệ của Man Utd đều xuất hiện trong vòng cấm (kể cả hai hậu vệ cánh). Chỉ còn duy nhất Matic đứng sau bọc lót nhưng ngôi sao người Serbia có lẽ cũng đang nghĩ mình tấn công, mà bỏ quên Demba Ba với khoảng trống mênh mông ở phía sau.

 

leftcenterrightdel
 Hệ thống của Man Utd quá thiếu kết nối trong việc tổ chức phòng ngự và tấn công.

Nhưng hãy nhìn kỹ tình huống này, HLV Solskjaer cũng... đứng ngoài đường piste và không xa so với Matic. Câu hỏi đặt ra là chiến lược gia người Na Uy đã làm gì trong tình huống đó mà không nhắc nhở cậu học trò lui về bọc lót. Chỉ có duy nhất trợ lý Mike Phelan mặc sức hò hét Matic ngoài đường piste nhưng... vô vọng.

Người ta không rõ đây là kiểu chiến thuật gì nữa bởi nó quá phi thực tế và đầy mạo hiểm. Ngay cả những đội bóng siêu tấn công cũng không bao giờ dám bỏ mặc khung thành, để dồn cả 11 cầu thủ lên thực hiện phạt góc như vậy, chỉ trừ thời điểm cần bàn thắng ở những phút bù giờ.

Còn ở bàn thua thứ 2, người ta cũng ngao ngán không kém. Bruno Fernandes (chuyền hỏng), Juan Mata (mất bóng) đương nhiên là những người phải chịu chỉ trích nhiều nhất. Dù vậy, hãy nhìn cái cách Man Utd tổ chức phòng ngự. Họ không hề có bất kỳ sự bọc lót nào. Ở thời điểm Visca băng lên dứt điểm, trước mặt anh chỉ là... khoảng trống. Ở phía sau, Van De Beek hay Luke Shaw quá ung dung chứng kiến đối thủ ghi bàn.

Chỉ hai sai lầm ấy thôi, Man Utd đã không xứng đáng được tha thứ. Bởi lẽ, nó chỉ phù hợp với những trận giao hữu, chứ không thể xuất hiện ở đấu trường số 1 thế giới như Champions League.

Nhưng những sai lầm mới chỉ là một nửa của vấn đề. Cái cách Man Utd phản ứng lại sau khi bị dẫn trước cũng khiến người ta ngao ngán không kém. Chẳng hề có chút quyết tâm nào cho thấy họ muốn ghi bàn (dù có tới cả hiệp 2 để tìm kiếm bàn thắng).

Chẳng có đội bóng nào bị dẫn trước mà trong cả hiệp 2 chỉ có đúng 1 lần dứt điểm trúng khung gỗ. Lối chơi chậm chạp, bình tĩnh tới khó hiểu của dàn sao Man Utd khiến bất cứ ai cũng phải sốt ruột. Người ta đang tự hỏi, vai trò của HLV Solskjaer ở đâu trong việc thúc đẩy tinh thần chiến đấu của các học trò.

Có lời nhận xét rất chính xác của Van Persie sau trận đấu: “Có cảm giác như Man Utd không muốn đá. Tôi không bao giờ ngại thua cuộc, miễn là đội bóng của tôi không chạy ít hơn đối thủ. Tôi muốn sự cam kết hướng về phía trước, kể cả trong lúc phòng ngự”.

Nhưng cái tinh thần chiến đấu “cần phải có” ấy đâu mất rồi?

leftcenterrightdel
 Man Utd không có phản ứng đủ "nhiệt", kể cả khi bị dẫn trước.

HLV Solskjaer xứng đáng bị sa thải

Cùng ngày Man Utd thất bại, Chelsea đã thắng tưng bừng trước Rennes. Tại sao chúng ta lại phải nói về Chelsea lúc này? Đơn giản, ở giai đoạn đầu mùa, họ gặp vấn đề y hệt như Man Utd nhưng quan trọng, tư duy của Lampard đã thay đổi, dẫn tới Chelsea đang dần hoàn thiện hơn.

Trong cả mùa giải trước và giai đoạn đầu mùa này, Chelsea thi đấu phòng ngự hết sức ngờ nghệch. Nhưng sau trận hòa 3-3 trước Southampton, HLV Lampard đã tuyên bố: “Các cầu thủ làm trái ý tôi. Ở thời điểm cuối trận, khi mà tôi muốn họ chơi bóng dài nhiều hơn, dâng lên áp sát ít hơn thì họ lại vẫn muốn chơi bóng thực sự”.

Quả thực, sau trận đấu ấy, Chelsea đã lột xác. Họ đã thể hiện lối chơi xù xì chưa từng thấy dưới thời Lampard. Kết quả, The Blues đã giữ sạch lưới trong 5 trận liên tiếp sau đó. Quan trọng lối chơi của Chelsea dần định hình, chứ không mông lung như Man Utd.

Man Utd từng thể hiện sự xù xì ấy trong các trận với PSG, Leipzig hay Chelsea. Nhưng điều đáng nói, tới trận gặp Istanbul Basaksehir, họ lại “quên sạch tất cả”, dồn lên tấn công tới mức ngây thơ.

Để ý thấy, giờ đây, sau khi dẫn bàn, Chelsea không còn dồn lên hủy diệt đối thủ như trước, thay vào đó, họ kiểm soát thế trận và bắt đối thủ phải chơi theo ý mình. Trong khi đó, Man Utd của Solskjaer “nửa nạc nửa mỡ”. Người ta không rõ chiến thuật thực sự của Quỷ đỏ là gì bởi nó chưa bao giờ rõ ràng.

Giống như Chelsea của Lampard, Arsenal của Mikel Arteta cũng đang tốt dần lên nhờ việc định hình rõ ràng lối chơi. Họ sẵn sàng dẹp bỏ lối chơi tấn công ngây thơ để chơi thứ bóng đá gai góc hơn.

leftcenterrightdel
Ngày bị sa thải đang tới ngày một gần với Solskjaer. 

Bởi lẽ đó, Man Utd chưa bao giờ giữ được sự ổn định dưới thời HLV Solskjaer là vì thế. Đơn giản, họ không tìm được sự ổn định (một cách tương đối) từ chính mình. Cần nói thêm rằng đây là sự ổn định về lối chơi, chứ không phải ôm khư khư đội hình tới mức bảo thủ như Solskjaer giai đoạn cuối mùa trước và đầu mùa này.

So với hai HLV cùng thế hệ, rõ ràng, Solskjaer đang đuối hơn hẳn. Chẳng có lời bào chữa nào cho họ lúc này. Có lẽ, ngày bị sa thải đang tới rất gần với chiến lược gia người Na Uy.

 

Theo Dân trí