|
Thua kém lịch sử đối đầu, nhưng Đức (áo trắng) đang có ưu thế về phong độ. |
Sau vòng đấu bảng, Đức và Italy không chỉ gặp nhau ở bán kết mà còn đang đi chung trên một con đường phong độ. Dẫu rằng, khi bước vào giải năm nay họ mang hai vẻ mặt hoàn toàn khác.
Khi đó, Đức cùng Tây Ban Nha hay Hà Lan được trọng vọng và đánh giá là ứng viên hàng đầu cho chức vô địch. Ở vòng loại, thầy trò Joachim Loew toàn thắng cả 10 trận và đang có trong tay đầy đủ một dàn hùng binh.
Trong khi đó, Italy đến Euro năm nay với tâm trạng rối bời. Thêm một vụ bê bối dàn xếp tỷ số ở giải vô địch quốc gia bục vỡ trước thềm giải đấu, khiến một số cầu thủ phải ngồi nhà và những nghi kỵ, thất vọng dâng cao.
Nhưng, Italy càng chơi càng hay. Họ chơi như để quên đi thực tại đáng xấu hổ ở Serie A, như để tạ tội với người hâm mộ màu áo thiên thanh. Tại vòng bảng, Italy đã cầm hòa đội đương kim vô địch Tây Ban Nha trong một trận đấu rất cởi mở và ngang phân. Sau đó, họ chia điểm với đội được xếp vào nhóm ngựa ô Croatia rồi đánh bại Cộng hòa Ireland để vào tứ kết gặp Anh.
Một lần nữa, Italy lại gây bất ngờ với một lối chơi khoáng đạt và tỉnh táo ở các tuyến. Không ít nhận xét cho rằng, Italy không còn tư tưởng chơi phòng ngự bê tông như truyền thống. Thay vào đó, họ chơi giàu chất nghệ sỹ hơn - thể hiện trong những cú vuốt bóng của Daniel De Rossi, pha tung người bắt vô-lê của Mario Balotelli hay quả sút phạt đền panelka tưng tửng mà hiệu quả của Andrea Pirlo...
|
Sự bình phục kịp thời của Schweinsteiger (áo trắng) sẽ giúp tuyến giữa của Đức duy trì được sức mạnh. |
Nhưng hôm nay, sự lãng mạn đầy lý trí đó của Italy sẽ gặp một thử thách thực sự. Đức không hiền lành như CH Ireland cũng chẳng bốc đồng như Croatia và ủy mị như Anh. "Cỗ xe tăng" vẫn lạnh lùng, chính xác nhưng không kém phần bùng nổ như chính họ suốt 6 năm qua - tính từ thời có những cách tân của Juergen Klinsmann và sau này là Joachim Loew.
Minh chứng xác thức nhất thể hiện ở phong độ. Ở vòng loại, họ toàn thắng cả 10 trận và đang là đội duy nhất toàn thắng tại vòng chung kết năm nay - bao gồm ba trận vòng bảng và trận tứ kết. Nhờ đó, thầy trò Loew đã lập nên kỳ tích vô tiền khoáng hậu 15 trận toàn thắng.
Đức hơn các đội bóng khác ở chỗ sức mạnh tập thể. Nếu xét từng cá nhân, Mario Gomez, Lukas Podolski hay Thomas Mueller đâu thể hơn Cristiano Ronaldo, Zlatan Ibrahimovic... Xét về bề dày thành tích, danh tiếng và kinh nghiệm, huấn luyện viên Loew cũng chẳng không thể so bì với Vicente del Bosque...
Nhưng khi người Đức vào trận, họ chơi với nhau gắn bó, bài bản và biết nhường nhịn như anh em một nhà. Đó là lý do vì sao khi Samir Khedira lên công, Bastian Schweinsteiger sẽ âm thầm lui về thủ, khi Klose lao vào cấm địa, Mueller hay Reus sẽ tự động dãn ra ngoài...
|
Italy có thể xem là một bất ngờ của giải năm nay. |
So với World Cup năm 2010, Đức bây giờ không bùng nổ bằng. Thậm chí, những đợt phản công không phải lúc nào cũng đem đến hiệu quả tức khắc. Nhưng không vì thế mà nói rằng sức mạnh của họ đã suy giảm. Một số nhận định cho rằng Đức bây giờ ở một đẳng cấp khác so với đa phần những đội còn lại nên họ không cần tung hết bài. Cái cách Loew cùng lúc cất cả Gomez, Podolski hay Mueller trên băng ghế dự bị ở trận đấu với Hy Lạp ở tứ kết đủ cho thấy người Đức tự tin đến thế nào vào sức mạnh và tính toán của mình.
Tuy nhiên, cái gì cũng có hai mặt và sự tự tin nếu thái quá cũng sẽ gây ra những nguy hiểm khôn lường. Nhất là khi đối thủ đang chơi với tinh thần thoải mái - vì vào đến bán kết cũng có thể xem là thành công với họ. Hơn nữa, Italy vốn rất "khắc" lối chơi của người Đức. Minh chứng là trong cả 7 lần gặp nhau ở các giải đấu chính thức của hai đội, chưa một lần người Đức tìm được chiến thắng.
Ở cuộc đối đầu gần đây nhất giữa hai đội, ở bán kết World Cup 2006, được chơi trên sân nhà Đức vẫn phải chịu thua 0-2.
Tối nay, lịch sử sẽ nối dài hay hiện tại sẽ lên tiếng?
Hà Uyên
VnExpress