Thật lạ lùng là ở V-League hiện nay, người ta không coi trọng ngôi vô địch bằng tuyên bố “đá đẹp có rớt hạng cũng sướng!”, người ta không coi trọng tính cạnh tranh bằng những… sô trình diễn mang đầy tính cảm tính.
 
 
Một giải VĐQG có đến 14 đội tham dự, trải dài qua 9 tháng, với tổng cộng 26 vòng đấu, với 182 trận đấu, nhưng chỉ có 1 đội rớt hạng thì còn gì là cạnh tranh?
 
Thậm chí, ngay cả suất rớt hạng này cũng hết sức mơ hồ. Trong trường hợp đang đá giữa chừng, có đội kiệt quệ về mặt tài chính, rồi rút lui đột ngột, có khi phần còn lại của giải đấu sẽ chẳng còn đội rớt hạng (sở dĩ phải nhắc đến điều này vì đây là điều đã xảy ra trong mấy mùa bóng gần đây). Thế thì bầu Đức hay HA Gia Lai lo gì chuyện rớt hạng, ngại gì không tuyên bố với khí thế ngút trời?!
 
Lệch lạc chân giá trị?
 
Ở một giải đấu mà cho đến giờ, người ta coi trọng sức hút của những sô trình diễn hơn là tính cạnh tranh thì quả là điều lạ! 
 
Với những khán giả thông thường, nhiều người bị kích thích bởi sự tò mò, bởi cái gọi là hiệu ứng đám đông còn có thể lý giải. Tuy nhiên, với những người đang điều hành nền bóng đá, một bộ phận cũng mang trong mình tư tưởng lệch lạc thì không thể xem đấy là điều bình thường.
 
Khi bầu Đức tuyên bố HA Gia Lai cứ đá đẹp mà rớt hạng cũng sướng, có lẽ chính ông bầu này cũng không nhận ra sự nguy hiểm của một giải đấu mà người ta không coi trọng tính cạnh tranh!
 
Sự nguy hiểm bây giờ nằm ở chỗ bầu Đức hiện đã không còn là một ông bầu thông thường, mà ông đang là phó chủ tịch VFF, là nhân vật đang có nhiệm vụ định hướng cho cả nền bóng đá. Trong trường hợp chính bầu Đức còn chưa chắc đưa ra quan điểm đúng, thì thật khó để ông định hướng cho bóng đá nội.
 
Sự nguy hiểm còn nằm ở chỗ, thay vì đo lường tính cạnh tranh và chất lượng chuyên môn của giải, thì nhiều vị quan to ở cơ quan điều hành bóng đá nội lại đi đếm… khán giả, xem đấy là thước đo duy nhất để đánh giá toàn bộ giải đấu.
 
Đông khán giả là điều tốt, nhưng thay vì làm việc tiếp theo là phân loại xem khán giả đến sân vì yêu bóng đá, hay vì để thỏa mãn trí tò mò, vì hiệu ứng đám đông, nhà tổ chức và điều hành lại chưa làm được?
 
Nếu chỉ vì trí tò mò mà đến sân, khi trí tò mò qua đi, khán giả cũng bỏ bóng đá. Tình yêu chỉ bền một khi đấy là tình yêu chân thật, nên giải đấu cũng cần những giá trị thật, thay vì chỉ tìm cách hút khán giả bằng cách xoay quanh những sô diễn của sự lãng mạn phi thực tế.
 
Thật buồn là ngay cả những người làm công tác chuyên môn thời gian qua cũng không quan tâm lắm đến vấn đề này, không quan tâm lắm đến việc tạo ra sức sống thực sự cho giải đấu, mà chính họ dường như cũng bị hút vào cảm tính của khán giả, để chạy theo đôi chân của một đội bóng trẻ đang mang tính giải trí nhiều hơn là mang bản chất của một đội bóng chuyên nghiệp!
 
Theo Dân trí
 
.