Cầu thủ Long An coi thường khán giả và tình trạng báo động ở V-League
Cập nhật lúc 23:58, Thứ ba, 21/02/2017 (GMT+7)
Không hài lòng với các án phạt, đội bóng đòi bỏ giải. Cho rằng trọng tài xử ép mình, đội bóng bất hợp tác trên sân bóng, đòi bỏ giải nốt. Có vẻ như cảm xúc quyết định số phận của các CLB, của sự tồn vong của V-League, chứ không phải là trách nhiệm với khán giả, với thương hiệu. (V-League, báo động, khán giả , thương hiệu, Cầu thủ )
Không hài lòng với các án phạt, đội bóng đòi bỏ giải. Cho rằng trọng tài xử ép mình, đội bóng bất hợp tác trên sân bóng, đòi bỏ giải nốt. Có vẻ như cảm xúc quyết định số phận của các CLB, của sự tồn vong của V-League, chứ không phải là trách nhiệm với khán giả, với thương hiệu.
Sự thiếu ràng buộc giữa đội bóng với các cơ quan điều hành, với địa phương và với người hâm mộ chính là nguyên nhân sinh ra sự dễ dãi đấy.
Trong bóng đá chuyên nghiệp thực thụ, các cầu thủ không bao giờ dám thể hiện thái độ phản đối bằng cách dừng trận đấu, hoặc bỏ trống khung thành. Họ có trách nhiệm phải đá vì chiếc vé mà họ bán ra cho người hâm mộ mua để vào sân, có trách nhiệm với từng đồng tiền mà họ kiếm được thông qua khán giả (mua vé, mua bản quyền truyền hình...).
Trong bóng đá Việt Nam, các khoản đấy gần như được miễn phí, hoặc chỉ được bán với giá tượng trưng, nên cầu thủ cũng quên mất luôn rằng họ phải có nhiệm vụ để bóng trước tiên để phục vụ khán giả, cũng là để giữ nguồn sống của chính họ. Trong bóng đá Việt Nam, cầu thủ không có khái niệm CĐV mới là người nuôi đội bóng, nên không có nốt khái niệm đá bóng để thực hiện nhiệm vụ với CĐV.
Hành động của các cầu thủ Long An chiều 19/2 phản ánh điều đó. Họ đá bóng, họ duy trì sự tồn tại của CLB bằng cảm xúc, chứ không phải bằng trách nhiệm với bóng đá chuyên nghiệp, trách nhiệm với nguồn sống của chính mình.
Khi cảm xúc vượt qua sự kiểm soát, họ bỏ trống khung thành, bất hợp tác với trọng tài, với đối thủ, với BTC giải, với cơ quan điều hành bóng đá nội. Họ chỉ nghĩ đơn giản nhất theo hướng có thể nghĩ ra, đó là bị xử ép thì không chơi nữa, khiến chọ sự việc trở nên nguy hiểm.
Vậy thì đã đến lúc đặt tiếp câu hỏi, rằng chúng ta sẽ tiếp tục để cho sự tồn tại một cách dễ dãi như thế của các đội bóng đến bao giờ?
Rằng những người điều hành bóng đá nội có trách nhiệm gì trong việc mười mấy mùa giải tổ chức bóng đá chuyên nghiệp nhưng chẳng thể tạo ra sự ràng buộc đáng kể với các đội bóng, về tài chính và mối quan hệ với các địa phương, với cộng đồng, với người xem, để sau mùa giải chuyên nghiệp thứ 17, các cầu thủ vẫn cứ thích thì đá, không thích thì nghỉ, các CLB thích thì làm, không thích lại bỏ?
Rằng các CLB phản ứng tiêu cực vì không họ không được trang bị văn hoá ứng xử trên sân bóng, trong giải đấu, hay họ bị dồn nén đến mức buộc phải phản ứng, vì tính minh bạch và vì môi trường do chính nền bóng đá tạo ra?
Theo Kim Điền/Dân trí
.