(BVPL) - “Trịnh Công Sơn là nhạc sĩ có nhiều người hâm mộ nhất. Đi đến đâu, tôi cũng thấy người ta hát ca khúc của anh. Nhạc Trịnh không chỉ ngự trị khắp mọi xó xỉnh của xứ Việt này mà còn len lỏi đến tận những ngóc ngách sâu thẳm nhất trong cõi tinh thần của người Việt ở Hải ngoại. Dường như ở đâu, Trịnh Công Sơn cũng có người yêu mến...” — Trần Đăng Khoa

 

 Chân dung cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Nguồn: Wikipedia
Chân dung cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Nguồn: Wikipedia
 
Có một sức hút kì lạ từ nhạc Trịnh mà tôi vẫn chưa lý giải được. Những con người trẻ tuổi coi nhạc Trịnh như một phần của đời sống. Họ nghe nhạc khi buồn, khi vui, khi mệt mỏi, khi cô đơn. Họ nói rằng những khúc nhạc sẽ giúp xoa dịu đi cái nhọc nhằn mệt mỏi của cuộc sống. Có thể họ từng vấp ngã trên đường đời, thất bại trong yêu đương, hay đơn giản là buồn bã vì dòng đời nhỏ hẹp. Cũng có những người nghe theo phong trào, nghe để thể hiện mình có guu âm nhạc “chất”, ở tầm này tầm kia, nhưng cõ lẽ con số ấy cũng chỉ là số ít.
 
Đến với nhạc Trịnh, mọi người có thể tìm ra chính bản thân mình đâu đó trong những câu chữ hay từng giai điệu dịu dàng sâu lắng và những nốt nhạc sẽ khiến tâm hồn những người nghe nó trở nên nhẹ nhàng hơn. Có đôi lúc, nhiều người nghe nhạc Trịnh bằng một sự giản đơn, không biết lời, không thuộc nhạc, và cả sai lời nữa. Thậm chí họ còn không rõ bài hát đó do Trịnh sáng tác hay ai. Nhạc Trịnh giúp cho con người ta tìm về bản tâm. Chính vì cái tình yêu cái tình buổi ban sơ ấy, mà bước vào đời mệt quá rồi yêu mến, có phải chính là những giông bão của tuổi trẻ đã đem mọi người tới với ông – cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.
 
Càng nghe nhiều, đọc nhiều về ông, lại càng biết nhiều hơn về cuộc đời, quan niệm sống và âm nhạc của ông Trịnh, con người ta lại càng cảm thấy sự tồn tại của mình rõ ràng hơn trong lối đi của thời gian. Tôi đã trót đem lòng yêu mến, yêu những người hát nhạc Trịnh trên phố xa, trong quán nhỏ. Thậm chí, tôi lưu giữ những đoạn phim nhỏ mà người mình yêu thương hát để giữ lại chút nắng trong những ngày mưa....
 
Những cuộc đời của nhiều năm trước đó, của những năm nay, của giai điệu cũ ‘trẻ trung’  đó, đã lặng đi nhiều sau những bão giông. Mỗi khi nghe một giai điệu, người ta lại thường hay ngẫm về những điều đã ở lại sau lưng, những kỷ niệm đậm đà tình nghĩa, những lần về thăm nấm mộ nhỏ nằm chơ vơ giữa cánh đồng lúa chín vàng, hay kể cả những thiên thu dường như chẳng thể nhìn thấy bến bờ.
 
Nếu như phải nói thực, thì chỉ có những người đã đi qua cuộc đời, rồi nhìn lại, mới thấy những giai điệu thân quen trong lạ lẫm mà quen thuộc, mới biết được thực ra ở đời " Sống thì có hẹn hò hôm nay hôm mai. Chết thì chẳng bao giờ có một cuộc hẹn hò nào trước. Yêu thương là để sống cho hết hôm nay!”
 
“ Nhiều đêm muốn quay về ngồi yên dưới mái nhà
Dòng sông trước kia tôi về
Bỗng giờ đây đã khô không ngờ
Lòng tôi có khi mơ hồ
Tưởng mình đang là cơn gió
Về chân núi thăm nấm mồ
Giữa đường trưa có tôi bơ phờ
Chợt tôi thấy thiên thu là
Một đường không bến bờ”
 
Thùy Hương
.