Ca sĩ Khánh Ly - một giọng hát “đi cùng năm tháng” với những ca khúc trữ tình say đắm nhiều thế hệ công chúng yêu âm nhạc ở Việt Nam cũng như ở nước ngoài của cố nhạc sĩ tài hoa Trịnh Công Sơn đã từng sống, thành danh từ thành phố ngàn sương, ngàn hoa Đà Lạt…
Tôi không sống với gia đình nhiều. Tôi không có bạn gái. Bạn của anh tôi cũng là bạn của tôi. Chúng tôi gọi nhau bằng… chú và xưng tôi, không có anh em gì cả. Có lẽ thế, tính tôi không hề có chút dịu dàng nào cho đến khi có con và chỉ dành cho con. Có lẽ thế, tôi dễ sống chung với các chị vũ nữ mà tôi thật sự quý mến như một gia đình. Các tay… anh hùng hảo hán ở Sài Gòn, Đà Lạt hình như cũng rất quý tôi, đứa em gái lạc loài, lờ khờ trong thế giới muôn mặt về đêm. Chẳng ai hỏi tôi từ đâu đến, con cái nhà ai. Tôi cũng không tò mò về cuộc sống của các chị vũ nữ.
Thời bấy giờ, giới vũ nữ là giới làm rất nhiều tiền và rất nhiều người có học. Họ chỉ trở thành vũ nữ để giúp gia đình trong khoảng thì giờ rỗi rảnh. Công việc của các chị ấy là nhảy với khách hàng, những người đi vũ trường một mình, những người mới biết khiêu vũ. Thời 60, khiêu vũ là một nghệ thuật. Mọi người nhẩy lấy đẹp, nhẩy biểu diễn. Khiêu vũ là một nghệ thuật, không hề có ý đen tối, lợi dụng. Khách đến vũ trường và vũ nữ đối xử với nhau lịch sự. Có những chị nổi tiếng chỉ vì nhẩy giỏi, nhẩy đẹp. Các chị không đi đêm với khách, tôi biết vì tôi ở cùng các chị một nhà.
Khi vũ trường đóng cửa, ai muốn đi ăn đêm thì thường chạy tới tiệm xôi gà trước mặt Khách sạn Thủy Tiên, sau lưng tiệm bánh mỳ Xương Ký đầu con dốc Hàm Nghi. Chủ quán là cặp vợ chồng trẻ, con ông bà Bắc Hương cơm tám, giò chả nằm gần café Tùng - ông bà chủ quán xôi này hiện đang ở Porland, Oregon. Nhiều đêm, vừa thấy mặt tôi, cô vợ da trắng, má hồng cười như hoa nở, hét toáng lên:… Đùi Khánh Ly… Phao câu Khánh Ly! Câu rao ngắn gọn làm ai cũng quay lại nhìn tôi cười. Và tôi không hề cảm thấy ngượng ngùng, sà ngay vào hàng cầm chiếc đùi gà, miếng phao câu béo ngậy, đĩa xôi trắng dẻo thơm phức mỡ hành. Ở một thành phố nhỏ như Đà Lạt, ai cũng biết mặt nhau.
…Tôi hát chưa ra gì nhưng lại được nhiều người thương thế nên cuộc sống mấy mẹ con coi bộ cũng đỡ khổ. Tôi mua quần áo đẹp nhất Đà Lạt cho con tôi ở tiệm Au Printemps. Tôi sục vào lầu trên của chợ Hòa Bình, nơi bán quần áo cũ của Mỹ - hàng viện trợ - tìm mua áo da, váy len, giầy bốt. Diện vào, ai dám nói là quần áo cũ. Tôi thường tới quán café nơi Bích Ly, chị cả của ban CBC ngồi giữ két, nói dóc. Bích Ly và tôi hình như bằng tuổi nhau hoặc Ly kém tôi một tuổi gì đó. Hai đứa cùng tên Ly, cùng đen đen như nhau, giọng cũng khào khào giống nhau nên bắt chuyện gớm lắm… Giờ gặp lại trên xứ Mỹ, hai đứa vẫn tưởng như đang ngồi trong quán café ở Đà Lạt.
Thời đó, tôi mới 18 tuổi, còn ham ăn, ham chơi. Chẳng có gì thú vị cho bằng quăng giày dép, chân không, đi, chạy, nhẩy khắp Đồi Cù, xuống Tòa Tổng Giám mục, men theo con đường Tình Yêu dẫn lên Tòa Tỉnh rồi lại lên Đồi Cù nằm khểnh dưới gốc thông hoặc thẳng tay chân trên bãi cỏ thênh thang nhìn ngắm mây trời. Không nhớ đến ai cũng không cần biết mình là ai, ngày mai sẽ ra sao. Không nhớ ai thật, không cả yêu đương. Không hề nghĩ đến gia đình và Sài Gòn. Tôi thương các con song thường tự hỏi vì sao tôi có chúng trong khi tôi chẳng có một chuẩn bị nào, chưa hề có một khái niệm về gia đình. Những lúc lang thang trên Đồi Cù, cùng các bạn gái đắm chìm dưới suối Liên Khương, tôi ước ao trở lại tuổi 14, 15. Có lẽ, tôi sẽ bắt đầu cuộc đời của tôi một cách khác.
40 năm trước, đó là ý nghĩ của một thiếu phụ tuổi 18, nằm ngủ quên dưới gốc thông già. Buổi trưa nắng vàng chan hòa trên cỏ lá, tiếng thông reo ngân dài, bất tận như một lời ru buồn. Lời ru âm thầm đi vào giấc ngủ và ở lại đó. Lời ru buồn. Rất buồn…
Theo Báo Lâm Đồng