Mỗi lần về miền Tây ngang qua đất Tiền Giang, thành một thói quen để “dành bụng” tới Mỹ Tho ăn hủ tiếu. Nhưng chỉ dừng ở ngã ba Trung Lương để ăn thì…chỉ là Hủ tiếu giống Mỹ Tho thôi.
 


Phở Bắc, Bùn bò Huế, Hủ tíu Mỹ Tho là ba món đặc sản nổi danh vang tiếng từ xưa đến nay trong vô vàn món ẩm thực ba miền. Đô thị Mỹ Tho hình thành cách nay trên 330 năm, cũng có nghĩa hủ tiếu Mỹ Tho có ngần ấy tuổi.
 


Vào bất kỳ tiệm bán hủ tiếu nào ở Mỹ Tho cũng sẽ nhìn thấy trên bàn ăn những thứ lỉnh kỉnh như : lọ nước mắm, tương xì dầu, tương ớt, tương đen, chanh, giá sống, ớt hiểm, tỏi, ớt sừng trâu sắc xéo màu trắng, vàng, đỏ.

Rỗ rau thường có ngò gai, quế là những thứ không bao giờ thiếu. Những tiệm hủ tíu ngon nổi tiếng thường có từ trước giải phóng của người Hoa, nhà cửa, bàn ghế cũ kỷ, ám màu mỡ dầu với khói nhìn xin xỉn, xưa xưa.

Trái lại những tiệm mới mở sau này của người Việt thường sang trọng, nền gạch láng, bàn , ghế inox sáng choang.

Đặc điểm của Hủ tiếu Mỹ Tho là cọng nhỏ, khô, dai dai, hương vị hơi chua, mang nét đặc trưng không lẫn với hủ tiếu ở một nơi nào khác. Những tiệm hủ tiếu ngon “số dách” ở Mỹ Tho có thể đếm trên đầu ngón tay.

Một tiệm hủ tiếu Mỹ Tho ăn ngon, bao giờ cũng kèm theo bán mì, hoành thánh hai món chiến lược rất khoái khẩu của người Hoa. Ngày xưa, sau lưng trường Nguyễn Đình Chiểu TP Mỹ Tho bây giờ có tiệm hủ tiếu danh tiếng Hưng Ký.

Mỗi buổi sang khách sang trọng ngồi tràn ra đường để ăn. Có người phải đứng đợi canh chỗ khách vừa đứng dậy là ngồi chiếm ngay.

Chậm chân là nhịn ăn. Chiếc xe đẩy nấu nước lèo, đặt ngang phía trái cửa ra vào, mỗi lần châm nước, khói phả lên thơm lừng ngây ngất những thực khách đang đói bụng. Nước lèo đặc biệt ngon nhờ những bí quyết gia truyền.

Một tô hủ tiếu hay mì chỉ được múc chừng 1/3 vá to thịt nạc bằm ướp kỹ vào một cái tô cạn đáy. Sau đó múc gần một vá nước lèo thật nóng đã nấu bằng xương heo, khô mực, tôm khô đổ vào tô rồi dùng vá đập nhè nhẹ để thịt bằm rời ra và vừa mới chín tới ăn mới ngọt.
 


Liền sau đó đổ ngay vào tô hủ tiếu đã làm sẵn phủ đầy trên mặt nào: Phèo heo, tôm khô chấy, tép mỡ, gan heo, thịt xá-xíu xát mỏng, ngò tây, hành lá, cải bắc thảo.

Tuy bán có đắt hơn các nơi khác một ít, nhưng vẫn được nhiều thực khách ưa chuộng. Nhằm lúc trời oi bức, hủ tiếu nóng, dai cùng với ớt cay xè, mấy thứ gia vị cay nồng khác quyện với nhau, ăn đổ mồ hôi hột vậy mà khách vẫn xì xụp ăn cho hết mới chịu lau trán.

Ðiều làm nên hương vị riêng khiến cho hủ tiếu Mỹ Tho trở nên nổi tiếng kể từ thập niên sáu mươi chính nhờ việc chọn loại gạo làm ra cọng bánh và nồi nước lèo pha chế của các đầu bếp trứ danh đất Mỹ Tho như: Nam Sơn, Tuyền Ký, Hưng Ký, Phánh Ký, Phát Ký, Gia Ký, Oai Ký… Hủ tiếu ngon nhất phải làm bằng gạo Gò Cát (giống lúa đặc sản như Tài Nguyên thơn, Nàng Hương, Nanh Chồn, Nàng Thơm chợ Ðào) ở xã Mỹ Phong, ngoại thành Mỹ Tho.

Còn hủ tiếu ngon, theo bà Lê Thị Thái, chủ lò sản xuất bún hủ tiếu thì nhất thiết phải là bánh khô, khi nấu trụng sơ nước sôi, tươm mỡ hành phi, cọng trong bóng, bắt mắt.

Chất lượng ngon dở là bí kíp gia truyền thuộc về người nấu nước lèo. Ai cũng dư biết thịt tủy xương ống hầm rục, thêm mực khô, tôm chấy mỡ mà thành, nhưng phải có vài thứ gia vị bí truyền mới thơm ngây ngất, ngọt lịm đặc trưng.

Để cảm nhận điều này, khách đến khu vực cầu Quay, đường Trưng Trắc - TP Mỹ Tho, dãy hàng quán bình dân mà nườm nợp khách ta lẫn tay vào ăn. Đó mới là hủ tiếu Mỹ Tho chánh gốc.
 

Theo Tiền phong

.