Bến Tre nổi tiếng với những rừng dừa bạt ngàn, người dân nơi đây cũng sống dựa vào dừa. Quả dừa ngoài cung cấp thức uống hảo hạng thì còn cho cơm dừa trắng ngần, ngọt lịm.

Nước dừa hầu hết sẽ được dùng làm nước giải khát, còn cơm dừa thì lại làm được vô số sản phẩm, vì thế thay vì hái quả non uống nước thì nhiều người chờ cho quả già để lấy cơm.

leftcenterrightdel
 Từ những quả dừa thô người dân bắt đầu bóc vỏ lớp ngoài (Ảnh: Nguyễn Cường).

Quả dừa từ các "cánh rừng" ven sông được ghe thuyền chở về các bãi tập kết, tại đây có hàng chục công nhân đang chờ sẵn. Từ quả thô xám màu đến cơm dừa trắng ngần cần trải qua rất nhiều công đoạn.

"Mỗi người một ngày sẽ lĩnh khoảng 1000 quả dừa để làm. Dừa sau khi bóc vỏ thì được chuyển cho người tiếp theo lột xơ, lại đến người chặt làm đôi, người tách cơm và gáo dừa. Phải trải qua rất nhiều công đoạn.

Mỗi ngày công như vậy mỗi người được hơn 200 nghìn đồng, người làm nhanh thì 300 hoặc 400 nghìn đồng cũng có", Trần Văn Quỡi (ngụ xã Lương Hòa, Giồng Trôm, Bến Tre) cho biết.

Bóc vỏ dừa là một công việc khó nhọc và nguy hiểm. Vì vậy dễ hiểu khi những người được tham gia công đoạn này đều phải là đàn ông ngoài 30 tuổi, khỏe mạnh và nhiều kinh nghiệm.

Quả dừa được ném mạnh, dứt khoát vào một chiếc dao hình mũi giáo cắm trên cọc gỗ. Người đàn ông sẽ gồng hết sức xé toạc những lớp vỏ dày. "Làm mệt, nóng lắm nên ai cũng cởi trần vậy đó, như đi tập gym ấy", anh Qưỡi vừa nói vừa làm việc.

leftcenterrightdel
Một chiếc dao chuyên dụng dùng để tách cơm khỏi gáo dừa.

Dừa sau khi bóc vỏ sẽ được bổ làm đôi, thu hồi nước rồi chuyển sang công đoạn tách cơm và gáo. Công việc này cũng vất vả và nguy hiểm không kém.

Chiếc dao cong chuyên dụng, sắc như lưỡi lam được khéo léo luồn vào khe hẹp giữa gáo và cơm dừa. Sức kéo mạnh cùng với đôi tay chuyên nghiệp lăn nửa quả dừa nhịp nhàng khiến lưỡi dao dần tiến sâu vào bên trong gáo dừa cứng.

Có những quả dừa quá già, lưỡi dao không "giải quyết được" nên người ta phải đập mạnh mới tách vỏ gáo và cơm ra được.

leftcenterrightdel
 Một cặp vợ chồng ở xã Lương Hòa, Giồng Trôm, Bến Tre đang tách cùi dừa ra khỏi vỏ (Ảnh; Nguyễn Cường).

Những miếng cơm dừa lại tiếp tục được đưa đến tay những người phụ nữ để gọt lớp vỏ đen, chừa lại mỗi phần trắng ngần, mịn màng bắt mắt. Việc gọt dừa tuy nhẹ nhàng nhưng đòi hỏi tỷ mỷ, nhanh nhẹn. Những đôi tay thoăn thoắt đưa chiếc dao gọt đến đâu là lớp vỏ đen rơi xuống đến đấy.

Cơm dừa sẽ được đưa đi rửa trong một bể nước lớn giống hệt người ta vò gạo. Bể nước giữ lại bao nhiêu sữa dừa nên cũng nhanh chóng chuyển sang màu trắng sữa.

leftcenterrightdel
 

"Cơm dừa làm sạch như vậy sẽ bán cho các cơ sở chế biến, làm được nhiều thứ lắm. Bánh dừa, bánh tét, sữa dừa, mứt dừa", chị Nguyễn Thị Thu Sương (ngụ xã Lương Hòa, Giồng Trôm, Bến Tre) chia sẻ.

Trong những quả dừa già thường có mộng dừa, giống như là hạt của quả dừa chuẩn bị dinh dưỡng cho cây dừa con nảy mầm. Mộng dừa đắt gấp nhiều lần trái dừa, có khi bán hàng trăm nghìn đồng một ký và không phải ai cũng may mắn được ăn.

leftcenterrightdel
Cơm dừa trắng ngần sẽ được rửa sạch, làm ráo trước khi được chuyển cho các cơ sở chế biến (Ảnh: Nguyễn Cường). 

Thế nhưng thứ mỹ thực vừa ngon, vừa ngọt lại bổ dưỡng này ở trong các xưởng sơ chế cơm dừa lại rất sẵn và hoàn toàn miễn phí. Mộng dừa như là món quà, món ăn giữa giờ nghỉ giải lao sau buổi làm việc vất vả của mọi người trong xưởng. 

leftcenterrightdel
Mộng dừa là thứ ngon nhất trong quả dừa nên có giá khá cao (Ảnh: Nguyễn Cường). 

Trong những cơ sở sơ chế cơm dừa luôn tràn ngập tiếng cười. Mọi người đều vui vẻ khi có công việc đều đặn, được làm việc gần nhà, dù không giàu có nhưng chỉ cần chăm chỉ thì không khó có cuộc sống đủ đầy.

Nhiều gia đình cả 2 vợ chồng đều tham gia sơ chế dừa, chồng bóc vỏ, vợ gọt cơm dừa sáng tối bên nhau còn dành dụm được tiền cho con đi học đại học.

Theo Dantri.vn