|
|
Quán bún ốc không biển hiệu: Có người đến chỉ mua canh ốc về chan cơm nguội. |
Quán bún ốc được cô Nga tiếp quản từ mẹ chồng. Hơn 50 năm trước, mẹ chồng cô cùng người dân làng Khương Thượng gồng gánh bún ốc lên phố cổ để bán, sau nhiều lần chuyển địa điểm. Đến năm 2002, quán bún ốc mới bán cố định trong con ngõ 592 Trường Chinh (Đống Đa, Hà Nội). "Ngày trước, mẹ chồng tôi gánh bún bán quanh phố cổ, thời ấy dùng củi để ninh nước, thắp đèn dầu bán hàng. Đến năm 2002, khi tuổi đã cao, mẹ tôi nghỉ bán. Hai vợ chồng tôi tiếp quản quán bún ốc cho đến nay". Cô Nguyễn Kim Nga chia sẻ.
|
|
Quán bún ốc không biển hiệu, nép mình trong con ngõ nhỏ trên phố Trường Chinh. |
|
|
Bún ốc được làm theo công thức gia truyền của cụ Nhạ, mẹ chồng cô Nga để lại. |
Bún ốc là một trong những món đặc trưng và quen thuộc hàng ngày với người Hà Nội. Bún ốc có mặt ở hầu hết các ngõ phố hay khu chợ nhưng không phải nơi nào cũng ngon chuẩn để khách phải nhớ nhung.
Nhiều vị khách đến đây và thường nói đùa rằng: Bún ốc cô Nga gây nghiện, bởi không ở đâu bát bún ốc lại có hương vị đặc biệt đến thế: Nước canh ốc nóng hổi, thơm mùi cà chua, dấm bỗng rượu nếp.
|
|
Bát canh ốc nóng hổi, ốc giòn, nước dùng thơm và đậm chứ không quá chua như nhiều quán bún ốc khác. |
|
|
Đa phần thực khách thích ăn thập cẩm, bao gồm ốc nhồi, ốc vặn và thịt bò chần sơ qua. |
Cô Nga còn nhớ lại, trước đây, khi điều kiện kinh tế khó khăn, người dân không có tiền mua bún nên thường chỉ mua nước canh ốc về chan cơm nguội. Ngày nay, bún đã sẵn hơn nhưng thỉnh thoảng vẫn có một số người lớn tuổi đến quán, mang theo cặp lồng chỉ mua canh ốc về chan với cơm nguội, ăn vào buổi sáng để đổi bữa.
Quán có ốc nhồi và ốc vặn. Ốc ngâm từ 3-4 tiếng rửa sạch, luộc chín tới rồi gẩy ốc, rửa sạch sẽ. Trước đây, khách ăn đến đâu, gẩy ốc đến đó nhưng ngày nay do lượng khách đông, cô Nga phải gảy hết ốc trước.
|
|
Mọi nguyên liệu được bày biện trên chiếc chỉ hơn 1m2, đặt nép vào một bên trong con ngõ nhỏ. |
Mỗi ngày chỉ mở bán từ 6 giờ 30 sáng đến 11 giờ trưa, cô Nga bán được 150 bát bún, có những ngày đông khách hết hàng sớm.
"Cứ 5 giờ sáng 2 vợ chồng tôi dậy chuẩn bị nấu nước dùng, luộc ốc, gẩy ốc, làm rau. Đến 6 rưỡi mới bán được bát đầu tiên, nhiều người đến sớm cũng phải đợi", bà Nga nói.
Nguyên liệu không thể thiếu của bát bún ốc là chuối đậu: Chuối phải luộc chín sơ qua rồi mới xào, đậu rán vàng, đem xào cùng chuối và nghệ. Quan trọng nhất là nồi nước dùng với sự kết hợp từ 3 nguyên liệu bình dân: Cà chua, bỗng rượu nếp và nước luộc ốc. Bỗng rượu nếp cô Nga phải đặt từ Hưng Yên.
|
|
Chuối đậu ăn xào nghệ, cứ bán gần hết cô Nga mới xào tiếp mẻ mới để luôn nóng. |
|
|
Ốc nhồi được gẩy sẵn, giòn và thơm. |
Có những thực khách ở dưới Hà Đông, Lĩnh Nam hay trên phố cổ vẫn không ngần ngại xuống Khương Thượng để được ăn bún ốc gia truyền ở đây, nhiều người cho biết, từng ăn bún từ ngày mẹ chồng cô Nga còn bán trên Gò Đống Đa.
Ba chị em gái Liên, Ngọc, Trinh đều là khách quen ăn bún ốc từ thời mẹ chị Nga bán chia sẻ: "Chúng tôi ăn từ lúc chị lớn mới 9 tuổi, giờ 42 tuổi rồi vẫn lên đây ăn. Sau khi quán được chuyển về Khương Thượng, tôi phải mò mẫm đi tìm mãi mới thấy quán. Bún ốc ở đây có vị khác không ở đâu có được.
Ăn bún ốc tôi cho nhiều ớt nên nó bị nóng, vì vậy phải ăn kèm với giá đỗ để thanh mát hơn. Ngày xưa, mỗi lần đi ăn bún ốc, 3 chị em lại xách theo túi giá đỗ nhà làm đến để bà chần sơ qua rồi cho vào bát bún".
|
|
Ba chị em chị Liên là khách ruột của quán bún ốc đã được hơn 30 năm. |
|
|
Cô Nga cho biết, riêng khách hàng ở Gò Đống Đa đến ăn là phải cho thêm giá đỗ vào bát bún ốc, bởi họ ăn quen từ ngày mẹ chị bán ở đó. |
Chỉ với 40.000 đồng, bạn được thưởng thức một bát bún đầy ụ, với thịt ốc to, giòn dai, nước dùng cay cay, bỗng rượu thơm lừng vàng ươm, hòa quyện với rau tía tô, chuối đậu.