Oreshnik- tên lửa đạn đạo mới của Nga nguy hiểm cỡ nào?
Rạng sáng ngày 21/11/2024, Nga đã thực hiện cú tấn công bằng tên lửa Oreshnik nhắm vào cơ sở phòng thủ Yuzhmash khổng lồ ở Dnipro, đông nam Ukraine.
Cú đánh được nói đã xé toạc cơ sở quy mô này.
Truyền thông Nga nói, cú tấn công không để lại một miệng núi lửa trên bề mặt như thường thấy, điểm va chạm khá hẹp, sự phá hủy bề mặt gần như phẫu thuật, nhưng nó đã phá vỡ cấu trúc bên dưới mặt đất.
Theo các chuyên gia, Oreshnik mang đầu đạn xuyên phá dạng chùm, có thể bao gồm nhiều loại đạn con mật độ cao.
    |
 |
Nga nói, với tốc độ vượt quá Mach 10, tên lửa Oreshnik không thể bị đánh chặn. Ảnh: Sputnik |
Vụ nổ chỉ xảy ra sau khi đầu đạn xuyên sâu vào mục tiêu, một thiết kế nhằm tối đa hóa thiệt hại bên trong đối với cơ sở hạ tầng quân sự kiên cố.
Tổng thống Nga Vladimir Putin đã tuyên bố, Oreshnik có khả năng đạt tốc độ trên 10 lần tốc độ âm thanh (Mach 10), đầu đạn của nó chịu được nhiệt độ tái nhập bầu khí quyển là 4.000 độ C và tạo ra lực động học ngang ngửa với vũ khí hạt nhân chiến thuật.
Truyền thông Nga bật mí, để chịu được nhiệt độ như vậy và duy trì ổn định ở tốc độ cuối, tải trọng sẽ cần được bọc trong vật liệu composite tiên tiến, có thể là đã dựa trên những phát triển gần đây về gốm chịu nhiệt và cấu trúc carbon-carbon được sử dụng trong các phương tiện lướt siêu thanh.
Một trong những đặc điểm nổi bật của hệ thống này là khả năng duy trì vận tốc siêu thanh trong giai đoạn bay cuối cùng.
    |
 |
Cấu trúc của hệ thống tên lửa Oreshnik. Nguồn: RT. |
Không giống như các đầu đạn đạn đạo truyền thống giảm tốc khi lao xuống mục tiêu, Oreshnik được cho là vẫn duy trì tốc độ vượt quá Mach 10, có thể là Mach 11, ngay cả trong các lớp khí quyển dày đặc. Điều này cho phép nó tấn công bằng động năng lớn, tăng khả năng xuyên phá và gây sát thương mà không cần lượng thuốc nổ lớn.
Ở tốc độ như vậy, ngay cả đầu đạn phi hạt nhân cũng trở thành vũ khí chiến lược. Một tác động tập trung ở vận tốc cao đủ để phá hủy các boong ke chỉ huy, trạm radar hoặc hầm chứa tên lửa.
Các chuyên gia nhấn mạnh, hiệu quả của vũ khí không phụ thuộc vào bán kính nổ mà phụ thuộc vào khả năng phân phối năng lượng cao, chính xác. Điều đó khiến nó khó bị phát hiện và khó đánh chặn hơn.
    |
|
Mô phỏng hoạt động của IRBM Oreshnik. Nguồn: RussiaNews. |
Về mặt học thuyết, Oreshnik đại diện cho một phạm trù mới: Một tên lửa đạn đạo chiến lược phi hạt nhân. Nó nằm giữa các hệ thống tấn công tầm xa thông thường và tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) hạt nhân, với đủ tầm bắn, tốc độ và tác động để thay đổi các tính toán trên chiến trường, nhưng không vượt qua ngưỡng hạt nhân.
Có thể nói, sự xuất hiện của Oreshnik đã làm thay đổi các quy tắc răn đe chiến lược, không phải bằng sự leo thang phá vỡ hiệp ước, mà bằng một thứ ít “ồn ào” hơn, tinh vi hơn xong vẫn có sức nặng và khả năng mang tính quyết định tương tự.
Kế thừa công nghệ cũ
Mặc dù hệ thống tên lửa Oreshnik đã trở thành tâm điểm chú ý quốc tế vào năm 2024, nhưng nguồn gốc công nghệ của nó, theo truyền thông Nga, đã có từ nhiều thập kỷ trước gắn với tên tuổi của Viện Công nghệ Nhiệt Moscow (MITT).
Được thành lập trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh để phát triển các hệ thống tên lửa nhiên liệu rắn tiên tiến, MITT từ lâu đã chịu trách nhiệm cho một số nền tảng chiến lược di động tinh vi nhất của Liên Xô và sau này là Nga, bao gồm ICBM phóng từ bệ phóng di động Temp-2S, tên lửa đạn đạo tầm trung (MRBM) Pionner và sau đó là gia đình Topol- ICBM di động đầu tiên của Nga.
    |
 |
Một số thông số của IRBM Oreshnik. Nguồn: RIA Novosti/Sputnik. |
Quy ước đặt tên vũ khí vẫn nhất quán theo truyền thống nhiều năm. Hầu hết các tên lửa của MITT đều được đặt tên theo các loài cây: Topol (cây bạch dương), Osina (cây dương), Yars (cây tần bì), Kedr (cây tuyết tùng) và Oreshnik (cây phỉ).
Các nhà phân tích tin rằng, Oreshnik dựa một phần vào RS-26 Rubezh, một ICBM di động do MITT phát triển và thử nghiệm từ năm 2011 đến năm 2015.
RS-26 về cơ bản là phiên bản rút gọn của ICBM Yars, được thiết kế để thực hiện các cuộc tấn công có độ chính xác cao ở phạm vi tầm trung.
Sẽ triển khai ở Belarus
Trong một cuộc tiếp xúc những học viên tốt nghiệp các học viện quân sự hàng đầu của Nga vào tháng 6, Tổng thống Nga Putin tuyên bố, hệ thống tên lửa Oreshnik đã chứng tỏ được hiệu quả cực kỳ cao trong điều kiện chiến đấu và bắt đầu đi vào sản xuất hàng loạt.
Ông Putin nhấn mạnh tốc độ tiến triển nhanh chóng từ khi hoàn thiện nguyên mẫu đến sản xuất hàng loạt và triển khai trực chiến.
    |
 |
Nga lần đầu tiên phóng thử IRBM Oreshnik ngày 21/11/2024 nhắm vào các mục tiêu của Ukraine/ @vladimirputiniu. |
Trong khi vào ngày 2/7, Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko đã công khai xác nhận rằng, các đơn vị Oreshnik đầu tiên sẽ được triển khai tại Belarus vào cuối năm nay.
“Chúng tôi đã nhất trí với Tổng thống Nga Putin ở Volgograd. Những vị trí triển khai Oreshnik đầu tiên sẽ ở Belarus. Các bạn đã thấy hệ thống này hoạt động như thế nào. Nó sẽ có mặt ở đây trước cuối năm nay.”, ông Lukashenko nói.
Với tầm bắn tối thiểu 800km và tối đa được báo cáo là gần 5.500km, Oreshnik được bố trí tại Belarus sẽ đặt hầu như toàn bộ vùng Trung và Tây Âu trong tầm với.
Đối với Nga, Oreshnik đại diện cho một lực lượng răn đe phi hạt nhân mới. Đối với NATO, nó tạo ra một loại mối đe dọa mới, nhanh, chính xác và khó đánh chặn, nhưng vẫn nằm dưới ngưỡng trả đũa hạt nhân.
    |
 |
Oreshnik được nói là một biến thể của IRBM RS-26. Nguồn: @warintel4u. |
Trên thực tế, kế hoạch triển khai Oreshnik cũng mở ra cánh cửa cho một cơ cấu chỉ huy chung Nga- Belarus, cho các hoạt động tên lửa bên ngoài lãnh thổ Nga, một diễn biến sẽ là một bước mới chính thức hóa sự hợp nhất quân sự giữa hai quốc gia.
Thay đổi học thuyết răn đe chiến lược!
Trong nhiều thập kỷ, thuật ngữ 'vũ khí chiến lược' đồng nghĩa với vũ khí hạt nhân- công cụ cuối cùng, được triển khai không phải để sử dụng mà để răn đe. Và, Oreshnik đã thay đổi quan niệm đó.
Bằng cách kết hợp phạm vi liên lục địa, tốc độ siêu thanh và khả năng xâm nhập chính xác, hệ thống này tạo ra một cấp độ sức mạnh mới, nằm dưới ngưỡng hạt nhân nhưng vượt xa pháo tầm xa thông thường hoặc tên lửa hành trình.
    |
|
Cú đánh như tia sét của Oreshnik. Nguồn: RT. |
Không giống như đầu đạn hạt nhân, tải trọng của Oreshnik có thể được sử dụng mà không phải chịu sự lên án toàn cầu hoặc có nguy cơ leo thang ngoài tầm kiểm soát.
Tuy nhiên, khả năng phá hủy của chúng, đặc biệt là đối với các mục tiêu quân sự kiên cố hoặc cơ sở hạ tầng quan trọng, khiến chúng trở thành một công cụ đáng tin cậy để tạo ra sức ép chiến lược.
Đây là cốt lõi của 'học thuyết răn đe phi hạt nhân': Khả năng đạt được các mục tiêu trên chiến trường hoặc chính trị thông qua các hệ thống thông thường tiên tiến, mô phỏng tác động chiến lược của vũ khí hạt nhân, mà không vượt quá giới hạn. Oreshnik thực sự không chỉ là một tên lửa. Nó là nguyên mẫu của lô gic chiến tranh trong tương lai: Đủ nhanh để tấn công trước khi bị phát hiện, đủ khả năng để tránh bị đánh chặn và đủ mạnh để định hình các quyết định trước khi chiến tranh bắt đầu, Đài RT Nga nhận định.