Ngày 28/8, Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) đưa tin, nhà lãnh đạo nước này Kim Jong Un một ngày trước đã theo dõi vụ thử nghiệm hệ thống pháo phản lực phóng loạt (MRLS) cỡ nòng 240 mm kiểu mới, đang được các doanh nghiệp công nghiệp quốc phòng trong nước sản xuất.  

MRLS mới được cải tiến về tính cơ động, khả năng tấn công chính xác, chứng minh được sự vượt trội trong tất cả các chỉ số về hệ thống dẫn đường mới được áp dụng, khả năng điều khiển và sức công phá.

Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un đã đưa ra những chỉ đạo quan trọng về việc sản xuất các loại pháo thế hệ mới và trang bị thay thế cho các đơn vị quân đội.

Truyền thông Hàn Quốc nói, pháo phản lực cỡ nòng 240 mm là hệ thống vũ khí nhắm vào khu vực thủ đô của Hàn Quốc và được nhắc đến mỗi khi miền Bắc đe dọa sẽ nhấn chìm Seoul trong biển lửa. 

Tháng 2 vừa qua, Viện Khoa học quốc phòng Triều Tiên tuyên bố đã phát triển thành công đạn pháo phản lực cỡ nòng 240 mm kiểu mới, có tính năng dẫn đường nhờ được gắn hệ thống định vị toàn cầu (GPS). 

Đến cuối tháng 4, miền Bắc đã tiến hành bắn thử nghiệm đạn pháo mới, nhằm đẩy nhanh quá trình trang bị cho lực lượng vũ trang. 

Vào các ngày 11 và 12/5 nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un cũng đã đích thân giám sát và lái thử xe chở hệ thống pháo phản lực này, đồng thời chỉ thị mở rộng sản xuất hệ thống vũ khí nhằm tăng cường sức mạnh chiến đấu cho lực lượng pháo binh.

Một số ý kiến cho rằng, việc Triều Tiên đẩy nhanh quá trình cải tiến tính năng của pháo phản lực cỡ nòng 240 mm có thể là nhằm mục đích xuất khẩu cho Nga.

Thông tin liên quan, ngày 28/8, báo cáo tại Ủy ban Tình báo của Quốc hội, Cơ quan Tình báo quốc gia Hàn Quốc (NIS) cho biết, quân đội đang tăng cường năng lực cho Hệ thống phòng thủ tên lửa và phòng không (KAMD), để đối phó với các bệ phóng tên lửa đạn đạo chiến thuật kiểu mới của Triều Tiên. 
Trước đó, ngày 5/8 KCNA cho biết miền Bắc đã tổ chức lễ bàn giao 250 bệ phóng tên lửa đạn đạo chiến thuật kiểu mới do các doanh nghiệp quốc phòng của nước này sản xuất cho các đơn vị quân đội biên giới tuyến đầu.

Những bệ phóng này dùng để phóng tên lửa đạn đạo tầm gần (CRBM) kiểu mới, mỗi bệ phóng có thể lắp 4 tên lửa.

Ngày 27/8, báo cáo của NIS nói, nếu Bình Nhưỡng thực sự bố trí các bệ phóng này ở khu vực tiền tuyến thì tên lửa có thể vươn tới địa phận các tỉnh Chungcheong Bắc và Chungcheong Nam của Hàn Quốc.

Tuy nhiên, cơ quan này bày tỏ hoài nghi về năng lực cung cấp tên lửa của Triều Tiên cho các bệ phóng mới. 

Một số hình ảnh cuộc bắn thử MRLS kiểu mới của Triều Tiên do KCNA công bố ngày 28/8:

leftcenterrightdel
 
leftcenterrightdel
 
leftcenterrightdel
 
leftcenterrightdel
 
leftcenterrightdel
 
leftcenterrightdel
 

Văn Phong/KCNA, KBS