Trong cuộc họp báo mới đây tại trụ sở Liên Hợp Quốc ở New York, Mỹ, Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres cho biết, ông đã gửi một đề xuất cho Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov trong nỗ lực khôi phục sáng kiến ngũ cốc Biển Đen.
Tài liệu đưa ra đề xuất mới nhằm đưa ngũ cốc và phân bón của Nga ra thị trường toàn cầu với hy vọng khôi phục thỏa thuận, cho phép Ukraine vận chuyển gần 33.000 tấn ngũ cốc vào thời điểm nạn đói toàn cầu đang gia tăng.
“Chúng tôi có một số giải pháp cụ thể cho phép tiếp cận hiệu quả hơn thực phẩm và phân bón của Nga vào thị trường toàn cầu với mức giá phù hợp.”, ông Guterres nói, nhấn mạnh, sáng kiến Biển Đen đã đóng góp rất quan trọng giúp thị trường lương thực trở nên phù hợp hơn với các mục tiêu an ninh lương thực của LHQ. Thỏa thuận đã giúp giảm giá và tạo điều kiện tiếp cận thị trường toàn cầu của nhiều quốc gia.
Người đứng đầu LHQ nói, ông tin rằng việc gia hạn thỏa thuận là vô cùng quan trọng; cho biết, ông lưu ý đến các yêu cầu của Nga và đã đưa ra một đề xuất có thể là cơ sở cho việc gia hạn.
Ông Guterres nhấn mạnh, việc gia hạn cần sự ổn định. “Chúng ta không thể có một sáng kiến Biển Đen đi từ khủng hoảng này sang khủng hoảng khác, từ đình chỉ này đến đình chỉ khác. Chúng ta cần phải có một cái gì đó hiệu quả và mang lại lới ích cho tất cả các bên”.
Cuộc chiến ở Ukraine đã đẩy giá lương thực biến động cao kỷ lục vào năm ngoái, góp phần tạo ra cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu, vốn bị tác động bởi các cuộc xung đột khác, ảnh hưởng kéo dài của đại dịch COVID-19, hạn hán và các yếu tố khí hậu khác.
|
|
Sáng kiến ngũ cốc Biển Đen đã cho phép ba cảng của Ukraine xuất khẩu 32,9 triệu tấn ngũ cốc và thực phẩm khác ra thế giới. Nguồn: iStock.com |
Chi phí cao đối với thực phẩm ở Ai Cập, Lebanon và Nigeria,.. đã làm trầm trọng thêm những thách thức kinh tế và đẩy thêm hàng triệu người vào tình trạng nghèo đói hoặc mất an ninh lương thực.
Hôm 17/7, Thư ký báo chí Điện Kremlin, Dmitry Peskov tuyên bố, hiệu lực về thỏa thuận ngũ cốc đã chấm dứt.
“Thật không may, phần liên quan đến Nga trong thỏa thuận Biển Đen này vẫn chưa được thực hiện cho đến nay. Do đó, hiệu lực của nó bị chấm dứt.”, ông Peskov giải thích, cho biết, ngay sau khi phần của Nga trong các thỏa thuận được hoàn thành, Nga sẽ quay lại thực hiện ngay lập tức.
Trước đó, trong cuộc điện đàm với người đồng cấp Nam Phi Cyril Ramaphosa, Tổng thống Nga Vladimir Putin, nói, các cam kết dỡ bỏ rào cản đối với việc xuất khẩu lương thực và phân bón của Nga vẫn chưa được thực hiện. Ông Putin nhấn mạnh, mục tiêu chính của thỏa thuận là cung cấp ngũ cốc cho các quốc gia có nhu cầu, bao gồm cả lục địa châu Phi, cũng đã không được thực hiện đúng mức.
Thông tin liên quan, truyền thông Thổ Nhĩ Kỳ cho biết, Tổng thống nước này Recep Tayyip Erdogan chuẩn bị bay tới khu nghỉ dưỡng Sochi của Nga bên bờ Biển Đen vào ngày 4/9 để gặp người đồng cấp Nga Vladimir Putin, trong nỗ lực nối lại sáng kiến ngũ cốc Biển Đen, nhằm đưa ngũ cốc và các thực phẩm khác đến châu Phi, Trung Đông và châu Á, nơi nạn đói có nguy cơ gia tăng.
Trước hội nghị thượng đỉnh Moscow- Ankara, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Hakan Fidan đã tới Moscow hôm 31/8 để hội đàm với người đồng cấp Nga Sergey Lavrov.
|
|
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov họp báo sau hội đàm với Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Hakan Fidan hôm 31/8. Ảnh: Sputnik / Aleksei Philippov. |
Ngoại trưởng Fidan nhấn mạnh, việc phục hồi ngũ cốc là rất quan trọng đối với an ninh lương thực.
“Chúng tôi nhấn mạnh vai trò quan trọng của Nga đối với an ninh lương thực toàn cầu và sự ổn định ở Biển Đen. Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã chuẩn bị một số đề xuất mới về thỏa thuận ngũ cốc để ‘hồi sinh’ nó.”, nhà ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ nói trong buổi họp báo chung với ông Lavrov.
Trong khi Ngoại trưởng Lavrov cho biết, ông đã chuyển cho Ankara một danh mục các vấn đề mà phương Tây cần phải thực hiện để tiếp tục vận chuyển ngũ cốc và phân bón của Ukraine.
Sáng kiến ngũ cốc Biển Đen được ký kết tháng 7/2022 giữa Nga và Ukraine do LHQ và Thổ Nhĩ Kỳ, quốc gia có mối quan hệ tốt đẹp với cả Moscow và Kyiv, làm trung gian, chủ yếu nhằm giảm bớt cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu, bằng cách cho phép xuất khẩu ngũ cốc Ukraine qua Biển Đen, vốn bị chặn bởi cuộc xung đột, một cách an toàn.
Một thỏa thuận riêng biệt đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc xuất khẩu thực phẩm và phân bón của Nga trong bối cảnh các biện pháp trừng phạt của phương Tây.
Tuy nhiên, Moscow liên tục phàn nàn rằng, thỏa thuận với Ukraine phần lớn mang lại lợi ích cho các quốc gia giàu có hơn và Nga vẫn gặp khó khăn trong việc huy động tài chính, bảo hiểm cũng như xuất khẩu phân bón và ngũ cốc của mình.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan đã nhiều lần kêu gọi các nước phương Tây xem xét các yêu cầu của Nga và cho biết, ông hy vọng cuộc đàm phán với ông Putin có thể dẫn tới việc khôi phục sáng kiến Biển Đen.