Hôm 19/5, Tổng thống Syria al-Assad đã tham dự hội nghị thượng đỉnh lần thứ 32 của Liên đoàn Ả Rập tại thành phố cảng Jeddah của Ả Rập Xê Út, lần đầu tiên kể từ khi Syria bị đình chỉ tư cách thành viên sau khi nổ ra nội chiến năm 2011.

Trong bài phát biểu của mình, ông al-Assad cho biết, hội nghị thượng đỉnh là một cơ hội lịch sử để giải quyết các cuộc khủng hoảng trên toàn khu vực.

“Tôi hy vọng nó đánh dấu sự khởi đầu của một giai đoạn hành động mới của Ả Rập vì sự đoàn kết giữa chúng ta, vì hòa bình trong khu vực của chúng ta, vì sự phát triển và thịnh vượng thay vì chiến tranh và hủy diệt.”, ông al-Assad nói, cho biết, Syria sẽ luôn thuộc về thế giới Ả Rập, tuy nhiên kêu gọi không can thiệp vào công việc nội bộ thuộc quyền tự quyết của người dân nước này.

Các nhà phân tích cho biết việc Syria trở lại Liên đoàn Ả Rập gồm 22 thành viên (vốn có nhiều quốc gia hậu thuẫn phe đối lập Syria, thậm chí, Ả Rập Xê Út từng là bên ủng hộ  các nhóm vũ trang đối lập và tìm cách lật đổ ông al-Assad trong cuộc chiến ở Syria), là một tín hiệu mạnh mẽ cho thấy sự cô lập của ông al-Assad đang chấm dứt, phản ánh một sự thay đổi quan trọng trong cách nhìn nhận thực tế của các bên trong khu vực về sự tồn tại của chính phủ của ông al-Assad, theo những cách trái ngược với phương Tây.

leftcenterrightdel
 Thái tử nước chủ nhà Ả Rập Xê Út Mohammed bin Salman chào đón Tổng thống Syria al-Assad. Ảnh: PBS.

Chào đón nhà lãnh đạo Syria, Thái tử nước chủ nhà Ả Rập Xê Út Mohammed bin Salman, cho biết, ông hy vọng việc Syria trở lại Liên đoàn Ả Rập sẽ dẫn đến sự kết thúc cuộc khủng hoảng ở nước này.

Trong bài phát biểu khai mạc hội nghị thượng đỉnh, Thủ tướng Algeria, Ayman Benabderrahmane, bày tỏ nhiệt liệt chào mừng Syria trở lại “vị trí của mình giữa những người anh em của chúng ta”.

Tư cách thành viên Liên đoàn Ả Rập của Syria đã bị đình chỉ sau khi khối cáo buộc ông al-Assad ra lệnh đàn áp những người biểu tình vào tháng 3/2011, khiến đất nước rơi vào vòng xoáy bạo lực, khiến gần nửa triệu người thiệt mạng và 23 triệu người khác phải rời bỏ nhà cửa.

Một số quốc gia Ả Rập đã nỗ lực chấm dứt sự cô lập của ông Assad đã hoan nghênh quyết định này, trong khi những quốc gia khác phản đối việc bình thường hóa hoàn toàn với Syria mà không có giải pháp chính trị cho cuộc xung đột ở nước này, cũng như  muốn đưa ra các điều kiện.

leftcenterrightdel
 Các nhà lãnh đạo Liên đoàn Ả Rập chụp ảnh trước hội nghị thượng đỉnh tại Jeddah, Ả Rập Xê Út, ngày 19/5, với sự trở lại của thành viên Syria. Nguồn: Reuters.

Cường quốc dầu mỏ Ả Rập Xê Út, từng chịu ảnh hưởng sâu sắc của Mỹ, đã dẫn đầu các hoạt động ngoại giao trong thế giới Ả Rập trong năm qua, thiết lập lại quan hệ với Iran, hoan nghênh Syria trở lại khối và tham gia hòa giải trong cuộc xung đột Sudan.

Khả năng nối lại quan hệ giữa Riyadh và Damascus sẽ đánh dấu bước phát triển quan trọng nhất trong các động thái của các quốc gia Ả Rập nhằm bình thường hóa quan hệ với chính quyền của ông al-Assad.

Hội nghị thượng đỉnh còn có sự tham dự của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, cũng như một đại diện của đại sứ quán Nga, theo lời mời của quốc gia chủ nhà.

Các quốc gia vùng Vịnh đã cố gắng giữ thái độ trung lập trong cuộc xung đột ở Ukraine, bất chấp áp lực của phương Tây đối với các nhà sản xuất dầu vùng Vịnh nhằm giúp cô lập Nga, một thành viên OPEC+.

Đầu năm nay, một quan chức Ả Rập Xê Út nói, Riyadh luôn sẵn sàng tham gia vào sứ mệnh hòa giải để chấm dứt cuộc xung đột Ukraine.

Văn Phong/Aljazeera