Bên lề hội nghị thượng đỉnh NATO tại Brussels hôm 14/6, cuộc gặp giữa Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan và người đồng cấp Pháp Emmanuel Macron đã làm rõ một số vấn đề và bày tỏ ý định hợp tác chung ở Libya và Syria, truyền thông Thổ Nhĩ Kỳ đưa tin.
Văn phòng của ông Macron cho biết, sau cuộc họp kéo dài 52 phút, cuộc nói chuyện với Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ đã tập trung làm rõ vấn đề liên quan đến đạo Hồi và tiết lộ mong muốn chung của hai quốc gia về hợp tác cùng nhau ở Libya và Syria.
Trước đó, hôm 10/6, ông Erdogan nói với báo chí, hai nước "sẽ có cơ hội thảo luận về những khía cạnh tích cực và tiêu cực của mối quan hệ Thổ Nhĩ Kỳ-Pháp".
Tuần trước, nhà lãnh đạo Pháp cho biết, các cuộc đàm phán giữa hai nước là rất quan trọng bất chấp những khác biệt của họ.
Căng thẳng gia tăng giữa Pháp và Thổ Nhĩ Kỳ trong những năm gần đây và Ankara đã nhiều lần có những phản ứng gay gắt với Paris về các chính sách của họ đối với Syria, Libya, Đông Địa Trung Hải và một số vấn đề khác. Nhưng vào tháng Hai, các thành viên NATO cho biết họ đang làm việc trên một lộ trình để hướng tới bình thường hóa quan hệ.
Ankara và Paris trước đó đã đối đầu nhau sau khi các quan chức Pháp vào năm 2018 gặp gỡ các thủ lĩnh của tổ chức đảng Công nhân người Kurd (PKK) và Các đơn vị bảo vệ nhân dân người Kurd (YPG) tại Syria.
|
|
Tổng thống Erdogan và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron “chào hỏi” nhau tại hội nghị thượng đỉnh NATO ở Brussels, Bỉ, ngày 14/6. Ảnh IHA. |
Hai nước NATO cũng có lập trường khác nhau ở Libya, nơi Ankara ủng hộ Chính phủ Hiệp ước Quốc gia (GNA) trong khi Pháp bị nghi ngờ ủng hộ Quân đội Quốc gia Libya (LNA).
Các quan chức Thổ Nhĩ Kỳ cũng lên tiếng chỉ trích Pháp can thiệp vào tranh chấp Đông Địa Trung Hải, khi Paris không có lãnh thổ trong khu vực. Căng thẳng giữa hai nước tiếp tục leo thang sau khi Pháp điều lực lượng hải quân đến Đông Địa Trung Hải để hỗ trợ Hy Lạp đối phó với các tàu chiến của Thổ Nhĩ Kỳ trong vùng biển tranh chấp.
Tổng thống Macron cho biết, ông dự định gặp ông Erdogan ngay trước hội nghị thượng đỉnh NATO. "Cả hai chúng tôi đều muốn một cuộc gặp như vậy. Tôi nghĩ đó là một điều tốt. Chúng tôi cần gặp nhau để nói chuyện.", ông Macron nói.
Hai nhà lãnh đạo có khả năng sẽ thảo luận về các tình huống quốc tế liên quan đến các cuộc xung đột ở Syria, Libya và Nagorno-Karabakh. Ông Macron bày tỏ mong muốn đối thoại để hóa giải các vấn đề của Thổ Nhĩ Kỳ gây tranh cãi trong NATO, như mua sắm vũ khí (S-400 của Nga- PV) không có khả năng tương tác với hệ thống vũ khí NATO và “các hoạt động đơn phương trái với lợi ích của các đồng minh”.
Sau ông Macron, ông Erdogan đã có cuộc họp kín với Thủ tướng Anh Boris Johnson để thảo luận về quan hệ song phương và các vấn đề khu vực; đồng thời dự kiến một cuộc gặp với Thủ tướng Đức Angela Merkel
Đặc biệt, trước khi khởi hành đến Brussels, nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ bày tỏ mong muốn có một cuộc gặp với Tổng thống Mỹ Joe Biden trước khi khi diễn hội nghị NATO, để giải quyết các “hục hặc” giữa hai nước, trong đó có vụ Ankara mua S-400 của Nga.