Trong cuộc họp báo sáng ngày 5/12, Chánh văn phòng Tổng thống Hàn Quốc Chung Jin-seok cho biết, Tổng thống Yoon Suk Yeol đã chấp thuận và phê duyệt đơn từ chức của Bộ trưởng Quốc phòng Kim Yong-hyun và đề cử ông Choi Byung-hyuk, Đại sứ tại Ả Rập Xê Út, làm tân Bộ trưởng Quốc phòng.

Thông báo được đưa ra một ngày sau khi ông Kim đưa ra lời xin lỗi vì đã gây ra mối quan ngại của công chúng liên quan đến tuyên bố thiết quân luật vào khuya ngày 3/12, mà ông được cho là người tham mưu và đề nghị từ chức. 

Theo Chánh văn phòng Tổng thống Chung Jin-seok, ông Choi là một chuyên gia, người có vốn hiểu biết và kinh nghiệm sâu rộng về lĩnh vực an ninh.

Vì vậy, ông này là người phù hợp để thực hiện trung thành nhiệm vụ cơ bản của quân đội là duy trì thế trận phòng thủ vững chắc dựa trên liên minh Hàn- Mỹ mạnh mẽ.

Trước đó ngày 4/12, trong bối cảnh Bộ trưởng Quốc phòng đệ đơn từ chức, Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Hàn Quốc Kim Myung-soo đã chủ trì cuộc họp khẩn với các sĩ quan chỉ huy tác chiến toàn quân, chỉ thị quân đội phải giữ vững kỉ cương tác chiến, tập trung giám sát và cảnh giới với Triều Tiên, trước khả năng nước này có những động thái lợi dụng tình hình bất ổn ở Hàn Quốc.  

leftcenterrightdel
 Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Kim Yong-hyun, người vừa từ chức sau sự kiện thiết quân luật. Ảnh: Kim Ho-young.
leftcenterrightdel
 Đại sứ tại Hàn Quốc tại Ả Rập Xê Út Choi Byung-hyuk (bên trái) được bổ nhiệm làm tân Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc/ @ KSAmofaEN.

Nội dung chỉ thị này được phân tích là nhằm ngăn chặn tình trạng hỗn loạn trong quân đội sau tình huống thiết quân luật. 

Ông Kim nhấn mạnh, quân đội phải đặt ưu tiên hàng đầu vào nhiệm vụ chính là bảo vệ sự an toàn của người dân, duy trì vững chắc trạng thái sẵn sàng tác chiến, không để miền Bắc phán đoán sai tình hình. Tạm thời trong thời gian tới, mọi sự di chuyển của quân đội đặt dưới sự kiểm soát của Hội đồng tham mưu trưởng liên quân. 
 
Mặt khác, ông Kim đã có cuộc điện đàm với Tư lệnh liên quân Hàn-Mỹ Paul LaCamera, đề nghị hai bên dốc toàn lực đối phó với các động thái khiêu khích từ miền Bắc. 
 
Đêm ngày 3/12, ngay sau khi Tổng thống ban bố thiết quân luật, lực lượng quân đội, trong đó có các thành viên thuộc Bộ Tư lệnh chiến tranh đặc biệt Lục quân, đã được điều tới trụ sở Quốc hội và trụ sở Chính phủ. 

Tới 1h sáng ngày 4/12, Quốc hội đã tiến hành bỏ phiếu thông qua dự thảo nghị quyết yêu cầu Tổng thống dỡ bỏ lệnh thiết quân luật và lực lượng quân sự rút khỏi Quốc hội. 

Sau sự kiện thiết quân luật, không chỉ có Bộ trưởng Quốc phòng từ chức, vào sáng ngày 4/12, Chánh Văn phòng Tổng thống Chung Jin-suk, Chánh Văn phòng An ninh quốc gia Shin Won-sik, Chánh Văn phòng Chính sách Sung Tae-yun và toàn bộ các cố vấn đã đồng loạt xin từ chức. 
 

leftcenterrightdel
 Chánh văn phòng Tổng thống Hàn Quốc Chung Jin-seok, người đã từ chức nhưng chưa được Tổng thống Yoon chấp thuận. Ảnh: Yonhap.
leftcenterrightdel
 Người dân Hàn Quốc xuống đường phản ứng trước quyết định ban bố thiết quân luật. Nguồn: @ Voiceofigbos.

Tuy nhiên, ngoại trừ trường hợp của Bộ trưởng Quốc phòng, cho đến nay, Tổng thống Yoon Suk Yeol vẫn chưa chấp thuận đơn xin từ chức nào khác. 

Sau tuyên bố rút lại lệnh giới nghiêm của Tổng thống đưa ra vào rạng sáng cùng ngày, Văn phòng Tổng thống vẫn chưa đưa ra lập trường nào thêm cũng như không đề cập tới bối cảnh dẫn tới việc ban lệnh thiết quân luật của Tổng thống. 
 
Phần lớn đội ngũ cố vấn Văn phòng Tổng thống được cho là đã không hề hay biết về quyết định của ông Yoon. Thời điểm đó, các cố vấn đều đã tan sở và phải tức tốc quay lại Văn phòng Tổng thống khi nhận được thông báo Tổng thống chuẩn bị ra tuyên bố khẩn. Điều này cho thấy Tổng thống Yoon đã giữ kín quyết định với cả đội ngũ cố vấn của mình. 

Trong một động thái liên quan, vào chiều ngày 4/12, 6 đảng đối lập Hàn Quốc gồm đảng Dân chủ đồng hành, đảng Đổi mới Tổ quốc, đảng Cải cách mới, đảng Tiến bộ, đảng Thu nhập cơ bản, đảng Dân chủ xã hội đã trình Quốc hội dự thảo luận tội Tổng thống Yoon Suk Yeol. 

leftcenterrightdel
 Các đảng đối lập Hàn Quốc ráo riết luận tội Tổng thống Yoon/ Yonhap.

Ngoại trừ các nghị sĩ của đảng cầm quyền Sức mạnh quốc dân không tham gia, toàn bộ 191 nghị sĩ của 6 đảng đối lập đã tham gia kí tên vào dự thảo. 

Phe đối lập dự kiến sẽ báo cáo dự thảo luận tội Tổng thống lên phiên họp toàn thể Quốc hội ngày 5/12, để tiến hành biểu quyết trong ngày 6 hoặc 7/12. 

Theo quy định, dự thảo luận tội phải được tiến hành biểu quyết trong vòng 24 đến 72 tiếng sau khi được đề xuất lên Quốc hội.  

Trước đó, “Liên minh nghị sĩ luận tội Tổng thống Yoon Suk Yeol” ra mắt vào tháng trước gồm hơn 40 nghị sĩ của các đảng đối lập đã tổ chức họp báo tại Quốc hội, kêu gọi luận tội Tổng thống Yoon Suk Yeol, “thủ lĩnh cuộc nội dậy thao túng quyền điều hành đất nước”.  
  
Chủ tịch đảng Dân chủ đồng hành Lee Jae-myung đã mở buổi họp báo ngay sau khi Quốc hội thông qua dự thảo nghị quyết yêu cầu Tổng thống dỡ bỏ lệnh giới nghiêm, lên án việc Tổng thống ban lệnh thiết quân luật trong khi hoàn toàn không thỏa mãn điều kiện quy định là vi phạm Hiến pháp và Luật thiết quân luật.

leftcenterrightdel
Biểu tình phản ứng trước quyết định ban bố thiết quân luật/@ Voiceofigbos.

Chủ tịch đảng Đổi mới Tổ quốc Cho Kuk thì quy kết việc Tổng thống ban lệnh thiết quân luật tương ứng với hành vi nổi dậy quân sự, phải tiến hành điều tra ngay lập tức và Quốc hội phải xúc tiến luận tội ông Yoon. 
 
Sáng cùng ngày, đảng cầm quyền Sức mạnh quốc dân của Tổng thống Yoon đã tổ chức cuộc họp của Ủy ban tối cao đảng và cuộc họp khẩn toàn thể nghị sĩ để thảo luận đối sách.

Nội bộ ban lãnh đạo đảng đồng tình về các bước đi tiếp theo như toàn bộ Nội các xin từ chức, bãi nhiệm Bộ trưởng Quốc phòng Kim Yong-hyun, nhưng không đưa ra quyết định có khai trừ ông Yoon khỏi đảng không do mâu thuẫn phe phái trong đảng. 

Chỉ 15 phút sau khi Tổng thống tuyên bố thiết quân luật, Chủ tịch đảng Sức mạnh quốc dân Han Dong-hoon đã ra lập trường chỉ trích đây là một quyết định sai lầm.

Chính ông Han cùng 18 nghị sĩ thân cận đã tham gia biểu quyết thông qua dự thảo yêu cầu Tổng thống dỡ bỏ lệnh thiết quân luật. 

Trong khi đại diện đảng này tại Quốc hội, ông Choo Kyung-ho, chỉ đưa ra lập trường “lấy làm tiếc” về vụ việc.

Văn Phong