Duy trì đối thoại bất chấp những bất đồng
Thủ tướng Đức Angela Merkel đã đến Moscow vào ngày 20/8 trong một chuyến công du có lẽ là cuối cùng tới Nga trên cương vị Thủ tướng. Vào tháng cuối tháng 9, Đức sẽ tổ chức bầu cử Quốc hội, nơi sẽ bầu ra Thủ tướng mới, trong đó bà Merkel sẽ không tham gia.
Trong thời kì lãnh đạo nước Đức kéo dài gần 16 năm, bất chấp những bất đồng sâu sắc, bà Merkel đã cố gắng duy trì mối liên hệ chặt chẽ với nhà lãnh đạo Nga Putin, người đã nắm quyền hơn hai thập kỉ.
Đức dự định tiếp tục duy trì liên lạc với Nga bất chấp những bất đồng hiện có, Thủ tướng Đức Angela Merkel tuyên bố hôm 20/8, trước khi bắt đầu cuộc hội đàm với Tổng thống Nga Putin tại Điện Kremlin.
|
|
Chuyến thăm Nga cuối cùng của bà Merkel trên cương vị Thủ tướng Đức. Ảnh: Guido Bergmann/ BPA/ Handout/ Reuters. |
"Mặc dù thực tế là chúng tôi có những bất đồng, nhưng điều tích cực là chúng tôi thường xuyên nói chuyện với nhau. Chúng tôi dự định tiếp tục duy trì liên lạc và trao đổi với nhau.", bà Merkel lưu ý.
Thủ tướng cũng nhấn mạnh, chuyến thăm của bà trùng với dịp kỉ niệm 80 năm phát xít Đức xâm lược Liên Xô. “Cần phải nói rằng 80 năm trước, Đức Quốc xã đã tấn công Liên Xô và để đánh dấu dịp này, tôi đã đặt vòng hoa tại Mộ Chiến sĩ Vô danh.”, bà Merkel nói.
Trong khi đó, Tổng thống Nga Putin nhấn mạnh, Đức là đối tác thương mại và kinh tế chính của Moscow ở Châu Âu và thứ hai trên thế giới, chỉ sau Trung Quốc. Ông Putin mong muốn tiếp tục được gặp bà Merkel ở Nga cả khi bà không còn là Thủ tướng.
|
|
Cuộc hội đàm giữa hai nhà lãnh đạo Đức, Nga được nói diễn ra trong không khí thẳng thắn, xây dựng. Ảnh: Reuters/ Guido Bergmann. |
"Như mọi người đã biết, tính chất đặc biệt của chuyến thăm này của bà Merkel ở chỗ sau cuộc bầu cử quốc hội sắp tới ở Cộng hòa Liên bang Đức vào tháng 9, bà sẽ rời khỏi chức Thủ tướng. Tôi muốn nói ngay: Chúng tôi sẽ luôn vui mừng khi thấy bà Merkel ở Nga với tư cách là một vị khách được chào đón.", ông Putin nói trong cuộc họp báo sau cuộc hội đàm.
Hàng loạt vấn đề “nóng”
Các sự kiện ở Afghanistan trở thành một trong những chủ đề ưu tiên trong cuộc hội đàm giữa hai nhà lãnh đạo. Họp báo sau cuộc thảo luận, ông Putin bày tỏ hi vọng Taliban sẽ thực hiện nghiêm túc những lời hứa của mình, đồng thời lưu ý việc "áp đặt hệ thống cấu trúc nhà nước không phù hợp lên các quốc gia khác là sự vô ích".
Tổng thống Nga cũng lưu ý việc ngăn chặn những kẻ khủng bố xâm nhập vào các nước láng giềng, đặc biệt dưới vỏ bọc là người tị nạn.
Ông Putin kêu gọi các nước, bao gồm Mỹ và Châu Âu nỗ lực hết sức trong việc hỗ trợ người dân Afghanistan, nhằm ổn định tình hình ở nước này; nhấn mạnh, cần phải chấm dứt chính sách áp đặt các giá trị và mô hình bên trong nỗ lực xây dựng nền dân chủ ở các nước khác mà không tính đến các vấn đề lịch sử, dân tộc và tôn giáo và hoàn toàn phớt lờ truyền thống của họ.
|
|
Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Nga Vladimir Putin họp báo sau cuộc hội đàm tại Điện Kremlin. Ảnh: Sputnik/Sergei Guneev. |
Bà Merkel gọi việc Taliban trở lại nắm quyền là "đáng thất vọng", nhưng lưu ý hoạt động quân sự của NATO đã cải thiện tình hình khủng bố.
Nhà lãnh đạo Đức và Nga cũng thảo luận về đường ống Nord Stream 2 (Dòng Bắc -2). Bà Merkel nhấn mạnh, đây không chỉ là một dự án song phương Nga - Đức, mà mang tính chất châu Âu.
Theo ông Putin, dự án gần như đã hoàn thành, chỉ còn 15km đường ống trên biển, nhấn mạnh, đường ống mới cung cấp một tuyến đường vận chuyển rẻ hơn và an toàn hơn nhiều cho nguồn cung cấp khí đốt của Nga tới Đức và các quốc gia EU khác.
Bà Merkel bày tỏ mong muốn được thấy Nga gia hạn hợp đồng vận chuyển khí đốt qua Ukraine sau khi thỏa thuận hiện tại hết hạn vào năm 2024. Ông Putin cho biết Nga sẵn sàng đàm phán gia hạn thỏa thuận nhưng lưu ý rằng các chi tiết cụ thể, chẳng hạn như khối lượng vận chuyển, sẽ phụ thuộc về nhu cầu thị trường đối với khí đốt của Nga ở châu Âu.
|
|
Thủ tướng Đức Angela Merkelđặt vòng hoa tại Mộ Chiến sĩ Vô danh. Ảnh: AP/Alexander Zemlianichenko. |
Hai nhà lãnh đạo cũng đề cập vấn đề nhà đối lập Nga Alexei Navalny, người đã bị “ngộ độc” tròn một năm trước, được Đức xác định bị hạ độc bởi một chất độc thần kinh sau khi đưa về Berlin điều trị. Khi trở về Nga vào tháng Giêng, Navalny bị bắt và nhận mức án 2 năm rưỡi tù giam vì vi phạm các điều khoản của bản án treo từ một bản án năm 2014 mà người này bác bỏ là có động cơ chính trị. Bà Merkel nhắc lại lời kêu gọi trả tự do cho Navalny.
Ông Putin yêu cầu bà Merkel tôn trọng quyết định của các cơ quan tư pháp Nga về việc tuyên án blogger này.
“Ông ấy bị kết án không phải vì các hoạt động chính trị của mình mà vì tội hình sự chống lại các đối tác nước ngoài.", ông Putin lưu ý.
Bà Merkel cho biết, Đức vẫn tiếp tục theo dõi vụ việc Navalny và cho rằng cần thiết phải trả tự do cho ông ta.
Hai bên cũng thảo luận về tình hình ở Donbass. Về vấn đề này, ông Putin yêu cầu bà Merkel trong chuyến thăm Ukraina sau đó vào ngày 22/8 "tác động để Kiev thực hiện mọi nghĩa vụ tại Donbass", theo thỏa thuận ngừng bắn đã đặt được vào tháng 7/2020.
Về phần mình, Thủ tướng Đức nói bà coi định dạng Normandy là nền tảng duy nhất có thể để thảo luận về tình hình ở đông nam Ukraina.