Hôm 2/11, Bộ Quốc phòng Nga cho biết, Moscow tiếp tục tham gia vào thỏa thuận lương thực Istanbul, do đã nhận được đủ sự đảm bảo từ Ukraine.

“Đặc biệt, phía Ukraine chính thức đảm bảo rằng Hành lang nhân đạo hàng hải sẽ chỉ được sử dụng phù hợp với các quy định của Sáng kiến ngũ cốc Biển Đen.”,  thông cáo của Bộ Quốc phòng Nga viết.

Ngày 1/11, Kyiv, với sự hỗ trợ của LHQ và Thổ Nhĩ Kỳ, đã gửi văn bản đảm bảo tới Trung tâm Điều phối chung  (JCC) ở Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ), nơi giám sát việc vận chuyển lương thực của Ukraine, nội dung nói hành lang nhân đạo ở Biển Đen và các cảng của Ukraine sẽ không được sử dụng cho các hoạt động chiến đấu chống lại Nga.

Hôm 29/10, Bộ Ngoại giao Nga thông báo đình chỉ việc thực hiện thỏa thuận lương thực bắt đầu cùng ngày và vô thời hạn, đáp trả vụ “tấn công khủng bố” mà Moscow cáo buộc Kyiv thực hiện, nhắm vào các tàu của Hạm đội Biển Đen ở vùng biển Sevastopol, Crimea.

Cùng ngày, Bộ Quốc phòng Nga cũng đưa ra một tuyên bố, Moscow đình chỉ tham gia xuất khẩu các sản phẩm từ các cảng Ukraine do cuộc “tấn công khủng bố” ở vùng biển Sevastopol; nói rõ, việc chuẩn bị tấn công khủng bố và huấn luyện quân nhân của Trung tâm Điều hành Hàng hải đặc biệt số 73 Ukraine được thực hiện dưới sự hướng dẫn của các chuyên gia Anh.

leftcenterrightdel
 Tổng Thư ký António Guterres (trái) và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdoğan tại lễ ký kết Sáng kiến ngũ cốc Biển Đen ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ, ngày 22/7. Nguồn: UNIC Ankara / Levent Kulu.

Sau tuyên bố của Nga, giá lương thực trên thế giới lập tức biến động tăng, trong đó giá lúa mì tăng hơn 6%.

Động thái của Nga gặp phải phản ứng mạnh mẽ, đặc biệt từ các quốc gia phương Tây và LHQ.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã kêu gọi Nga duy trì Sáng kiến ngũ cốc Biển Đen, sau khi Moscow tuyên bố đình chỉ thỏa thuận này.

“Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen đến nay đã giúp cung cấp hơn 9 triệu tấn lương thực từ Ukraine cũng như giúp hạ nhiệt giá lương thực toàn cầu. Chúng tôi kêu gọi tất cả các bên duy trì sáng kiến cực kỳ có ý nghĩa này.”, nhà ngoại giao Mỹ tuyên bố.

Ông Blinken cũng nhắc đến những người nghèo trên khắp thế giới đang phải chật vật trang trải cho cuộc sống đắt đỏ, đồng thời cáo buộc Nga “đang sử dụng lương thực như một vũ khí”.

Trong khi Tổng thống Mỹ Joe Biden gọi động thái của Điện Kremlin là “thái quá”.

Cùng ngày 30/10, Liên minh châu Âu (EU) cũng đã kêu gọi Nga đảo ngược quyết định rút khỏi thỏa thuận do LHQ làm trung gian cho phép xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine qua Biển Đen trong bối cảnh khủng hoảng lương thực toàn cầu. 

leftcenterrightdel
 Tàu thương mại đầu tiên chở ngũ cốc trong khuôn khổ Sáng kiến ngũ cốc Biển Đen. Nguồn: UNIC Ankara / Levent Kulu.

“Quyết định đình chỉ tham gia vào thỏa thuận Biển Đen của Nga gây rủi ro cho con đường xuất khẩu ngũ cốc và phân bón chính rất quan trọng để giải quyết cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu. EU kêu gọi Nga đảo ngược quyết định của mình.”, Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của EU, Josep Borrell, tuyên bố.

Ngày 30/10, Tổng Thư ký LHQ António Guterres đã bày tỏ quan ngại sâu sắc trước quyết định của Nga đình chỉ tham gia Sáng kiến ngũ cốc Biển Đen, một thỏa thuận được thiết lập nhằm tái mở cửa hoạt động xuất khẩu lương thực và phân bón quan trọng từ Ukraine sang phần còn lại của thế giới.

Ukraine và Nga chiếm khoảng 30% lượng lúa mì và lúa mạch xuất khẩu của thế giới, 1/5 lượng ngô và hơn một nửa lượng dầu hướng dương. 

Nga cũng là nước xuất khẩu phân bón lớn nhất thế giới, chiếm 15% xuất khẩu toàn cầu. 

Điều phối viên Cứu trợ Khẩn cấp của LHQ, Martin Griffiths, nhấn mạnh, nguồn hàng cung cấp  từ Ukraine và Nga là rất quan trọng trong một thế giới mà hàng triệu người đang đói và gặp khó khăn trong việc thanh toán chi phí cuộc sống đang tăng cao. 

Sáng kiến ngũ cốc Biển Đen đã được LHQ, Ukraine, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ ký kết tại Istanbul vào tháng Bảy. Theo thỏa thuận, các tàu vận chuyển ngũ cốc từ ba cảng của Ukraine đi dọc theo một hành lang đã thỏa thuận đến các thị trường trên toàn thế giới.  

LHQ và Nga cũng đã ký một thỏa thuận song song về xuất khẩu ngũ cốc và phân bón. 

Văn Phong/Sputnik, AP, LHQ