Không phải vũ khí độc quyền của Nga!
Hôm 16/11, Bộ Quốc phòng Nga xác nhận, một ngày trước đó, nước này đã thử nghiệm thành công và bắn trúng vệ tinh giám sát Tselina-D đã bay trên quỹ đạo từ năm 1982 và hiện không còn hoạt động. Đây là vệ tinh giám sát vô tuyến từ thời Liên Xô, thiết kế để giám sát từ trên không gian những bức xạ của phương tiện kỹ thuật vô tuyến mặt đất của đối phương.
"Đúng là chúng tôi đã thử nghiệm thành công một hệ thống tiên tiến của tương lai. Nó bắn trúng một vệ tinh cũ với độ chính xác tuyệt đối.", Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergey Shoigu nói với truyền thông.
|
|
Vệ tinh giám sát Tselina-D. Nguồn: Pixabay / Eitmedia. |
Theo Bộ Quốc phòng Nga, vệ tinh Tselina-D đã bị phá hủy thành công và quân đội nước này đang tiến hành hoạt động thường lệ nhằm tăng cường khả năng phòng thủ của quốc gia; lưu ý, các cuộc thử nghiệm như vậy đã được thực hiện bởi Mỹ, Trung Quốc và Ấn Độ; trong đó mục đích của chiến lược mới của Mỹ trong không gian là đạt được "lợi thế quân sự toàn diện" trong lĩnh vực này.
“Lầu Năm Góc đang tích cực phát triển và thử nghiệm trên quỹ đạo các loại vũ khí tấn công và chiến đấu mới nhất, bao gồm cả những sửa đổi tàu vũ trụ không người lái X-37B, và họ làm điều này mà không có bất kỳ thông báo nào.", tuyên bố cua Bộ Quốc phòng Nga viết.
|
|
Video mô hình quỹ đạo chùm mảnh vỡ vệ tinh Tselina-D (trắng) và Trạm Vũ trụ Quốc tế ISS (xanh) cho thấy 2 quỹ đạo nằm trên các mặt phẳng khác nhau, không "đụng" nhau. Nguồn: BQPNga. |
Cũng theo Bộ này, trong hơn 40 năm qua, Moscow đã chủ trương xây dựng một thỏa thuận cấm triển khai vũ khí hoặc sử dụng vũ lực trong không gian vũ trụ. Nga đã nhiều lần đề xuất các cường quốc và đệ trình Hiệp ước ngăn ngừa việc bố trí vũ khí trong không gian lên Đại hội đồng Liên hợp quốc, nhưng Washington và các đồng minh đã chặn thỏa thuận này. Washington đã công khai tuyên bố, Mỹ không muốn bị ràng buộc bởi bất kỳ nghĩa vụ nào trong không gian.
Không đe dọa các trạm quỹ đạo và vệ tinh
Ngay sau vụ thử vũ khí diệt vệ tinh của Nga, hôm 15/11, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price cáo buộc Nga đã hành động “nguy hiểm và vô trách nhiệm” khi thực hiện vụ thử nghiệm; tuyên bố, vụ thử đã tạo ra “đám mây” rác thải vũ trụ với hơn 1.500 mảnh vụn có thể theo dõi được và “hàng trăm ngàn mảnh vụn quỹ đạo nhỏ hơn”, gây nguy hiểm cho các phi hành gia và các hoạt động vệ tinh toàn cầu.
Nhiều quan chức phương Tây cũng lên án vụ thử, đưa ra các cáo buộc tương tự; đồng thời cảnh báo sẽ tham vấn đồng minh để có biện pháp đáp trả động thái của Nga.
|
|
Hàng triệu mảnh vụn rác không gian bao quanh không gian gần Trái đất. Ảnh: Flickr / Alizey Khan/ |
Bộ Quốc phòng Nga đã bác bỏ các cáo buộc, cho rằng, các mảnh vỡ của vệ tinh bị hủy không gây ra mối đe dọa nào đối với hoạt động không gian và Mỹ biết điều này.
Hôm 16/11, Bộ Quốc phòng Nga đã công bố video mô hình quỹ đạo của vệ tinh Tselina-D bị phá hủy so với quỹ đạo của Trạm Vũ trụ Quốc tế ISS, chứng minh không có mối đe dọa từ các mảnh vỡ vệ tinh đối với sự an toàn của ISS. Ngay cả ở điểm gần nhất về mặt lý thuyết, các mảnh vỡ đã không đến gần ISS khi nó bay qua.
|
|
Nga mô phỏng quỹ đạo chùm mảnh vỡ vệ tinh Tselina-D (trắng) và Trạm ISS, chứng minh chúng không "đụng" nhau. Nguồn: BQP NGa. |
"Các chuyên gia của Bộ Quốc phòng Nga đã sử dụng phần mềm trực quan hóa tình huống không gian dựa trên dữ liệu thực tế để mô phỏng chuyển động của các vật thể không gian được theo dõi và mới được phát hiện cùng với các vệ tinh hoạt động và Trạm Vũ trụ Quốc tế ISS. Các hình ảnh video cho thấy rõ ràng các vật thể đang di chuyển cùng quỹ đạo có độ nghiêng khác nhau trên các mặt phẳng khác nhau. ISS nằm ở vị trí thấp hơn 40-60 km so với các mảnh vỡ của vệ tinh bị phá hủy.", tuyên bố của Bộ Quốc phòng Nga nói.
Bộ này nhấn mạnh, các hệ thống giám sát không gian của Nga có khả năng giám sát từng quỹ đạo riêng của tất cả các vật thể rác không gian và có khả năng dự đoán chuyển động của các vật thể này cho đến khi chúng không còn tồn tại.
“Kể từ thời điểm xuất hiện, các mảnh vỡ từ vệ tinh cũ không gây ra bất kỳ mối đe dọa nào đối với ISS. Các tuyên bố về các rủi ro bị cáo buộc đối với ISS không phù hợp với thực tế ”, Bộ Quốc phòng Nga kết luận.