Hôm 2/6, Chủ tịch Phòng Thương mại Iran-Nga, Hadi Tizhoush Taban, cho biết, các công ty Nga đã đầu tư 2,7 tỉ USD vào ngành dầu mỏ của nước này.

Ông Taban nhấn mạnh, việc sử dụng đồng tiền quốc gia của hai nước, rial và rúp, hiện đã tăng 60%, nhờ việc loại bỏ đồng đô la Mỹ trong các giao dịch song phương.

Về dài hạn, giao dịch thương mại hai chiều giữa Iran và Nga đang có nhiều cơ hội bứt phá sau chuyến thăm của Tổng thống Iran Ebrahim Raisi tới Moscow, trong đó hai nước đã nhất trí đạt được giá trị trao đổi thương mại song phương lên 10 tỉ USD.

Trong nỗ lực hiện thực hóa mục tiêu, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Iran (CBI) Mohammadreza Farzin và Chủ tịch Ủy ban Kinh tế Quốc hội Iran đã tới Nga với mục đích mở rộng quan hệ kinh tế, tiền tệ và ngân hàng giữa hai nước, ông Taban nói.

Trong khi hai nước cũng tổ chức Diễn đàn doanh nghiệp Iran-Nga, có sự tham gia của 120 phái đoàn kinh tế từ Moscow.

Chủ tịch Phòng Thương mại Iran-Nga Taban lưu ý, sự phát triển quan hệ thương mại giữa hai nước kéo theo sự đầu tư phát triển hạ tầng trong lĩnh vực vận tải, bao gồm cả đường bộ, đường biển, đường sắt và đường hàng không.

leftcenterrightdel
 Hoạt động đầu tư giao thương 2 nước tăng cường kéo theo phát triển hạ tầng giao thông liên vận. Ảnh: Tasnim.

Giữa tháng 5, Iran và Nga ký kết thỏa thuận trị giá 1,6 tỉ USD xây dựng tuyến đường sắt kết nối TP Rasht, gần Biển Caspi với TP Astara, Iran, giáp biên giới với Azerbaijan, một liên kết quan trọng của trục giao thông quốc tế Bắc-Nam, kết nối Ấn Độ, Iran, Nga, Azerbaijan và các quốc gia khác bằng đường sắt và đường biển.  

Tuyến đường sắt dài 162 km dọc bờ biển Caspian sẽ đi từ các cảng của Nga trên biển Baltic đến các cảng của Iran trên Ấn Độ Dương và Vịnh Aden.

Tin liên quan, trong báo cáo mới nhất hôm 2/6, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho biết, sản lượng sản xuất dầu thô của Iran đã tăng 60.000 thùng/ngày trong tháng 4, lên mức 2,75 triệu thùng/ngày, đưa Iran trở thành nước sản xuất dầu lớn thứ tư trong OPEC.

Trong khi tổng sản lượng dầu do 13 nước thành viên OPEC sản xuất trong tháng 4 đã giảm 310.000 thùng dầu/ngày so với tháng trước đó.

Theo báo cáo của IEA, trong tháng 4, các quốc gia thành viên OPEC sản xuất 28,850 triệu thùng dầu/ngày.

Văn Phong/Tasnim