"Tôi có thể nói rằng số lượng quốc gia muốn mua hệ thống phòng không tầm xa S-400 chẳng giảm chút nào. Trước tiên, chúng tôi muốn cám ơn đối tác Thổ Nhĩ Kỳ. Hợp đồng đang được thực hiện, giai đoạn bàn giao đầu tiên sẽ kết thúc trong tuần này", Giám đốc Cơ quan Hợp tác Kỹ thuật Quân sự Liên bang Nga Dmitry Shugaev ngày 23/7 nói với báo giới, theo TASS.

leftcenterrightdel
Tên lửa S-400 của Nga. Ảnh: TASS 

Tuyên bố được quan chức Nga đưa ra trong bối cảnh Moscow vừa hoàn tất các lô bàn giao đầu tiên mẫu tên lửa S-400 cho Ankara, bất chấp việc Mỹ ra sức phản đối. Washington tuần trước tuyên bố dừng bán F-35 cho Ankara rồi dọa áp đặt trừng phạt, song vô ích.

Trong thông báo trước đó của Nga, ngoài Thổ Nhĩ Kỳ, nước này cũng đang tiến hành các thương vụ bán S-400 cho Ấn Độ trong bản hợp đồng trị giá tới 5,5 tỷ USD. Ở Trung Đông, một số quốc gia có quan hệ gần cận với Mỹ như Saudi Arabia, Qatar và Iraq cũng bày tỏ mong muốn mua hệ thống phòng thủ tên lửa do Nga sản xuất.

Mỹ dường như đang tìm cách thuyết phục Ấn Độ và các nước Trung Đông từ bỏ ý định mua S-400, song không nhận phản hồi tích cực. Washington ban hành một đạo luật để ngăn cản các nước sở hữu S-400 nhưng các nước được cho là cũng nghĩ ra phương án để đối phó.

Giới chuyên gia cho rằng lý do S-400 hấp dẫn nhiều quốc gia đến vậy bởi nó được đánh giá là một trong những loại khí tài hiện đại nhất thế giới, sở hữu những ưu điểm mà không vũ khí nào của phương Tây có được.

Tên lửa S-400 có khả năng theo dõi và tiêu diệt mục tiêu một cách chính xác từ tên lửa đạn đạo, chiến đấu cơ thế hệ 5, máy bay không người lái (UAV) từ khoảng cách 30km đến 400km. Tổ hợp này còn có thiết kế module và độ cơ động cao, cho phép triển khai, phóng tên lửa, thu hồi và di chuyển khỏi trận địa chỉ trong vòng vài phút.

Thái An