Trong một tuyên bố được truyền thông Nga đăng tải hôm 11/7, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu nói, nếu Mỹ cung cấp bom chùm cho Ukraine, quân đội Nga sẽ buộc phải sử dụng vũ khí tương tự chống lực lượng vũ trang Ukraina để đáp trả.

Ông Shoigu lưu ý, quyết định của ban lãnh đạo Mỹ về cung cấp bom chùm sẽ ảnh hưởng đến việc kéo dài cuộc xung đột.

Bộ trưởng Quốc phòng Nga cho biết, trong hệ trang bị của Nga có sẵn bom chùm, nhưng do nhận thức rõ mối nguy hiểm tiềm tàng mà loại vũ khí này có thể gây ra cho dân thường, Moscow đã kiềm chế không sử dụng tại chiến trường Ukraine, chỉ lưu giữ có tính chất phòng bị.

leftcenterrightdel
 Bộ trưởng Quốc phòng Nga, Sergei Shoigu, tuyên bố, nếu Mỹ cung cấp bom chùm cho Kyiv, quân đội Nga sẽ buộc phải sử dụng vũ khí tương tự ở Ukraine để đáp trả. Nguồn: BQP Nga / EPA.

Truyền thông Nga cảnh báo, bom, đạn chùm đảm bảo phạm vi sát thương lớn vì nổ tung trên không và phân tán rộng số bom, đạn con. Mỗi quả đạn M864 có trang bị 72 đạn con: 48 quả M42 và 24 quả M46. Loại đầu tiên nhằm chống bộ binh, loại thứ hai để tiêu diệt xe bọc thép. Bom đạn như vậy không có thiết bị tự hủy.

Theo dữ liệu của quân đội Mỹ, có khoảng từ 5 - 14% số đạn này có thể không phát nổ do nằm lâu trong kho. Trong trường hợp đó, chúng biến thành bom mìn nổ chậm đe dọa tính mạng dân thường ngay cả sau khi xung đột kết thúc.

Hôm 7/7, Bộ Quốc phòng Mỹ đã công bố gói hỗ trợ an ninh mới trị giá 800 triệu đô la cho Ukraine, nhằm “tiếp lửa” cho cuộc phản công của Kyiv chống lại các lực lượng Nga, giành lại lãnh thổ bị chiếm giữ.

leftcenterrightdel
 Binh sĩ Mỹ bốc dỡ bom chùm DPICM được bắn từ pháo 155mm. Ảnh: BQP Mỹ/ Gabriel Jenko/ Reuters.

Ngoài các hệ thống phòng không Patriot và pháo phản lực cơ động cao, đáng lưu ý trong gói viện trợ quân sự mới còn bao gồm đạn thông thường cải tiến lưỡng dụng (DPICM), một loại bom chùm.

Lầu Năm Góc nói, Washington lần đầu tiên cung cấp bom chùm DPICM cho Ukraine sau khi tham vấn rộng rãi với Quốc hội và các đồng minh của Mỹ.  

Các quan chức Mỹ cho biết họ đã chấp thuận yêu cầu của Kyiv về bom chùm sau khi có thông tin rõ rằng, trong khi thực hiện cuộc phản công chống lại Nga, Ukraine đang cạn kiệt đạn pháo thông thường và việc sản xuất sẽ không đáp ứng được nhu cầu.

Washington cũng nói, Ukraine đảm bảo sẽ chỉ sử dụng bom chùm để chống lại các lực lượng Nga trên chiến trường, không ở trong các khu vực dân cư.

Trước đó Mỹ đã cáo buộc Nga sử dụng bom chùm ở Ukraine, nói chúng có tỉ lệ “tịt” lên tới 40%. Washington cho biết, bom chùm mà họ gửi tới Ukraine có tỉ lệ không nổ dưới 2,35%.

Văn Phong/Sputnik, Dailysabah