Đã cân nhắc kỹ!

Hôm 7/7, Bộ Quốc phòng Mỹ đã công bố gói hỗ trợ an ninh mới trị giá 800 triệu đô la cho Ukraine, nhằm “tiếp lửa” cho cuộc phản công của Kyiv chống lại các lực lượng Nga, giành lại lãnh thổ bị chiếm giữ.

Ngoài các hệ thống phòng không Patriot và pháo phản lực cơ động cao, đáng lưu ý trong gói viện trợ quân sự mới còn bao gồm đạn thông thường cải tiến lưỡng dụng (DPICM), một loại bom chùm.

Lầu Năm Góc nói, Washington lần đầu tiên cung cấp bom chùm DPICM cho Ukraine sau khi tham vấn rộng rãi với Quốc hội và các đồng minh của Mỹ.  

leftcenterrightdel
 Bom chùm DPICM nằm trong thành phần gói hỗ trợ quân sự mới nhất của Mỹ cho Ukrtaine. Ảnh: Cydney Lee/BQP Mỹ.

Các loại đạn mới được đưa vào sử dụng, sẽ được lấy từ kho dự trữ của Bộ Quốc phòng, được thiết kế để phân tán các loại đạn con từ trên không, cho phép Ukraine nhắm mục tiêu vào các khu vực rộng lớn của quân đội Nga.  

Khi công bố gói mới nhất, Thứ trưởng phụ trách chính sách quốc phòng của Lầu Năm Góc, Colin Kahl, cho biết, Washingtom đang cung cấp khả năng mới cho Ukraine nhằm đáp ứng “tình trạng khẩn cấp” hiện thời khi Kyiv tiếp tục cuộc phản công.

“Điều này nhằm đảm bảo sự tin tưởng của người Ukraine rằng, họ có những gì họ cần, nhưng thành thật mà nói, cũng để người Nga biết rằng, người Ukraine sẽ tiếp tục ‘cuộc chơi’.”, ông Kahl nói.  

Ông Kahl lưu ý, với quyết định mới nhất, Mỹ sẽ có thể ngay lập tức cung cấp cho Ukraine hàng trăm nghìn quả đạn pháo DPICM vào thời điểm quan trọng của cuộc phản công.

leftcenterrightdel
 Binh sĩ Mỹ bốc dỡ bom chùm DPICM được bắn từ pháo 155mm. Ảnh: BQP Mỹ/ Gabriel Jenko/ Reuters.

Lầu Năm Góc nhấn mạnh, khi đưa ra quyết định đã cân nhắc kỹ về rủi ro tiềm tàng mà các quả đạn có thể gây ra cho dân thường.

Các quả đạn sẽ cung cấp cho Ukraine được xác định có tỉ lệ bom con chưa nổ sau khi được giải phóng từ bom mẹ khoảng 2,35%, khá thấp so với các loại bom chùm được Nga sử dụng ở Ukraine có tỉ lệ “tịt” lên tới 40%.

Lầu Năm Góc tuyên bố đang hợp tác với Ukraine để giảm thiểu rủi ro liên quan đến các loại vũ khí này. 

Các quan chức Ukraine đảm bảo rằng họ sẽ sử dụng vũ khí một cách có trách nhiệm và sẽ không sử dụng trong môi trường đô thị hay dân cư.  

leftcenterrightdel
 Bom chùm DPICM được bắn từ pháo 155mm. Nguồn: Defencereview.gr

Ukraine cũng đã cam kết nỗ lực rà phá bom mìn sau khi xung đột kết thúc để giảm thiểu tác động tiềm ẩn của vũ khí này đối với dân thường.  

Theo Lầu Năm Góc, Mỹ đã cung cấp hơn 95 triệu đô la hỗ trợ cho các nỗ lực rà phá bom mìn của Ukraine.  

Bom chùm nguy hiểm cỡ nào?

Bom chùm là một quả bom mẹ chứa hàng chục đến hàng trăm quả bom con bên trong. Bom mẹ có thể được thả từ máy bay, phóng từ tên lửa hoặc bắn từ pháo, súng hải quân hoặc bệ phóng tên lửa.

Sau khi được phóng đi, bom mẹ bung ra ở độ cao nhất định, giải phóng các quả bom con trong khu vực mục tiêu. Chúng tự động kích hoạt để phát nổ gần hoặc trên mặt đất hoặc khi có va chạm, phát tán các mảnh đạn gây sát thương cho đối phương hoặc xuyên thủng các phương tiện bọc thép.

leftcenterrightdel
 Bom mẹ chứa hàng trăm quả bom con. Ảnh: Ariel Conn.

Mỹ có một kho dự trữ bom, đạn chùm DPICM đã bị loại bỏ vào năm 2016.

Theo Quân đội Mỹ, bom chùm DPICM sẽ cung cấp cho Kyiv được bắn từ pháo 155mm, với mỗi quả bom mẹ chứa 88 quả bom con. Mỗi quả bom con có phạm vi sát thương khoảng 10 m2, do đó, một quả bom mẹ được thả xuống có thể bao phủ một khu vực rộng tới 30.000 m2, tùy thuộc vào độ cao mà nó thả bom con.

Ngoài khả năng sát thương trong phạm vi rộng, các quả bom cũng có khả năng xuyên thủng lớp giáp xe bọc và vô hiệu hóa vũ khí của chúng.

Gây tranh cãi!

Một vấn đề gây tranh cãi ở chỗ, có khoảng một phần ba số bom con chưa nổ sau khi phát tán từ bom mẹ, điều tiềm ẩn nguy cơ rủi ro đối với dân thường trong nhiều năm sau xung đột.

Theo Ủy ban Chữ thập đỏ Quốc tế (ICRC), những quả bom chưa nổ sau đó có thể được kích nổ bởi hoạt động dân sự hay sản xuất, nhiều năm hoặc thậm chí nhiều thập kỷ sau chiến tranh.

Các báo cáo cho biết, 94% thương vong do bom chùm được ghi nhận là thường dân, trong đó gần 40% là trẻ em

leftcenterrightdel
Bom mẹ bung ra phát tán bom con / Netwerk Vlaanderen.

Liên minh chống bom, đạn chùm, nhóm hoạt động đang nỗ lực vận động để loại bỏ vũ khí này, cảnh báo, các loại vũ khí này vẫn đang âm thầm gây thương vong ở Lào và Việt Nam sau hơn 50 năm kể từ khi nó được sử dụng.

Trong một tuyên bố hôm 7/7, Tổ chức theo dõi nhân quyền (HRW) bày tỏ lên án việc cung cấp và sử dụng bom chùm ở Ukraine.

“Bom, đạn chùm vẫn là một trong những vũ khí nguy hiểm nhất thế giới. Chúng giết người và gây tàn tật bừa bãi, gây đau khổ cho con người trên phạm vi rộng. Do vậy, bất kỳ việc sử dụng bom, đạn chùm nào, ở bất cứ đâu, bởi bất kỳ ai, đều phải bị lên án”, Phó chủ tịch Ủy ban Chữ thập đỏ Quốc tế, Gilles Carbonnier, tuyên bố tại một hội nghị về bom, đạn ở Thụy Sĩ năm ngoái.

leftcenterrightdel
 Bom con vẫn còn dính vào bom mẹ và chưa nổ sau khi được phóng đến mục tiêu. Nguồn: UN.

Phần lớn các quốc gia trên thế giới (không bao gồm Mỹ và Ukraine) đã cấm sử dụng các loại vũ khí này thông qua Công ước về bom, đạn chùm (CCM), bao gồm việc lưu giữ, sản xuất và chuyển giao chúng.

Theo HRW, việc sử dụng vũ khí để tấn công binh lính hoặc phương tiện của đối phương không phải là bất hợp pháp theo luật quốc tế, nhưng tấn công thường dân bằng vũ khí có thể bị coi là tội ác chiến tranh.

Văn Phong/BQP Mỹ, CNN