Cứ mỗi thứ Sáu hàng tuần, họ đến nghĩa trang ở Kobani, Syria phát kẹo cho nhau và tưởng nhớ thân nhân bị sát hại trong cuộc chiến chống tổ chức khủng bố IS. Sau lưng họ là những ngôi mộ còn xanh cỏ. Trong chuyến viếng nghĩa trang gần đây, một nhóm phụ nữ đứng khóc bên mộ của Mahmoud Rassoul, 27 tuổi, chết trong một vụ phục kích của IS gần thành phố Deir Ezzor chưa đầy 2 tuần trước.
Mẹ của anh, bà Najma, ngồi sụp xuống trước mộ đất và hôn lên di ảnh con trai trên tấm bia. “Con trai ơi, con trai, dậy đi con”, bà khóc thảm thiết. Một thành viên trong gia đình bước đến đỡ bà đứng lên khỏi đống đất.
Có khoảng 8.000 người Kurd đã chết trong cuộc chiến chống lại IS. Họ là đồng minh mạnh và kiên trung nhất của Mỹ trên mặt đất. Trong khi IS sắp bị đánh bại, chiến sự vẫn tiếp tục diễn ra ở mặt trận phía Đông, gần biên giới giáp với Iraq. Đó là một cuộc chiến mà người Kurd sẽ sớm phải “đơn thương độc mã” chiến đấu, vì Mỹ bắt đầu rút quân khỏi Syria.
|
|
Bà Najma và người thân viếng mộ con trai, một chiến sĩ Kurd chống khủng bố |
Najma cảm thấy cay đắng trong lòng khi bà biết Mỹ tuyên bố rút quân và ảnh hưởng của quyết định đến tương lai người Kurds. “Họ đã có những gì họ muốn. Họ sử dụng người Kurds để loại bỏ IS và bây giờ họ bỏ rơi chúng ta. Người Mỹ đáng nhẽ ra phải ủng hộ chúng tôi. Họ dùng chúng tôi làm vật tế thần và bây giờ họ vắt chanh bỏ vỏ,” người phụ nữ đau đớn nói với phóng viên Hãng thông tấn CNN.
Lái xe qua khu vực người Kurd ở miền Bắc Syria, các phóng viên CNN luôn được nghe câu này: Người Mỹ đã từng hứa, hứa thật nhiều, và bây giờ nó trở nên trống rỗng.
Người Kurd bây giờ đang đứng chênh vênh trong thế “ngàn cân treo sợi tóc.” Ở bên kia bên giới là Thổ Nhĩ Kỳ, bên coi họ là “những kẻ khủng bố.” Còn ở phía Tây là các đồng minh của họ gồm, chế độ Bashar al Assad và Iran.
Ở thị trấn Arimah, các phóng viên gặp chỉ huy kiêm người phát ngôn lực lượng vũ trang Kurd, ông Sharfan Darwish. Ông nói với CNN rằng Mỹ từng giúp đỡ người Kurd. Đổi lại, người Kurd chiến đấu chống IS.
“Sau những năm hai bên cùng nhau chống chủ nghĩa khủng bố, đó là nghĩa vụ tối thiểu của họ giúp đảm bảo an ninh cho chúng tôi. Không ai mong họ gắn bó mãi mãi, thế nhưng thời gian thật nghiệt ngã và chẳng hề ai mong muốn cái cách mà họ ra thông báo như thế,” ông thở dài nói.
|
|
Video người Kurd khóc thân nhân ở nghĩa trang Kobani |
Ông lái xe đưa các nhà báo Mỹ đến chiến tuyến người Kurd với Quân đội Syria, nơi đây có thể nhận thấy rõ “sự chắp vá” của các lực lượng vũ trang khác nhau. Các cố vấn quân sự Nga và binh sĩ Syria đang ngồi chồm hỗm bên đường khi đoàn phóng viên ghé thăm căn cứ quân sự.
Người Kurd và Chính quyền Tổng thống Syria Bashar al Assad đã mở các kênh đối thoại thông qua Nga và có thể một thỏa thuận sẽ được hai bên thực hiện để tạo lập “liên minh mới” chống khủng bố sau khi Mỹ rút đi.
Không ai biết điều gì tiếp theo sẽ xảy đến với người Kurds. Trên đường về từ Arimah, các phóng viên bắt gặp một đám tang. Hai nhân viên an ninh người Kurd thiệt mạng vì trúng bom đặt ven đường, một lời nhắc nhở nguy hiểm luôn rình rập nơi đây hàng ngày. Khi mọi người chờ hai cỗ quan tài để đưa đi chôn cất, đám đông khóc than rầm rầm như thác đổ.
|
|
Bà Qassim bên mộ con gái, một nữ chiến sĩ Kurd chống khủng bố |
Trở lại nghĩa trang ở Kobani, Adel Qassim tự hào nói với CNN về con gái Peyman Tolhildan. Cô gái 19 tuổi là một chiến binh dũng cảm của Lực lượng Dân quân Bảo vệ người Kurd-YPG. Cô hy sinh khi IS tấn công một trường họ cũ nơi nữ chiến binh cùng đồng đội đóng quân.
Mẹ của Tolhildan âu yếm vuốt nhẹ lên di ảnh con gái đặt trên bia mộ khi bà xúc động nói: “Cô gái thật dũng cảm. Cô là chỉ huy đơn vị của mình. Cô chiến đấu chống lại bọn khủng bố trong suốt 13 giờ. Khi cả nhóm hết đạn, các chiến sĩ dũng cảm đã tuẫn tiết để tránh bị bắt,” bà Qassim cho biết.
Không còn gì để lại ngoài vài mảnh xương và đôi giày xô của cô. Khi được hỏi bà nghĩ gì về việc Mỹ rút quân, người phụ nữ đứng lặng một lúc rồi trả lời như than van.
“Đó là sai lầm, thật sự sai lầm. Họ đã để chúng tôi ở giữa ngã ba đường,” bà Qassim nói.