Mỹ tính chuyện lập căn cứ tại Ba Lan sau khi rút khỏi INF
Cập nhật lúc 19:26, Thứ năm, 14/02/2019 (GMT+7)
Tổng thống Ba Lan hy vọng việc Mỹ tăng cường lực lượng trên lãnh thổ nước này sẽ sớm diễn ra, trong một động thái có thể khiến người Nga tức giận.
Trong tuyên bố chung đưa ra sau cuộc gặp Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence tại Warsaw ngày 13-2, Tổng thống Ba Lan Andzej Duda mong muốn "nỗ lực chung" của hai bên trong việc tăng cường hiện diện quân sự của Mỹ ở nước này sớm được triển khai, theo Reuters.
|
|
Máy bay My trong một căn cứ quân sự thương trực. Ảnh: Reuters |
Hiện Mỹ đang có 4.000 binh sỹ đồn trú tại các căn cứ của Ba Lan trong khuôn khổ Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
Ba Lan từ lâu đề xuất Mỹ tăng cường hiện diện quân sự trên lãnh thổ nước này bằng việc thiết lập một căn cứ thường trực. Tuy nhiên, Washington đã nhiều lần từ chối vì lo ngại căng thẳng với Nga gia tăng.
Tuy nhiên, với việc rút khỏi Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm Trung (INF) mới đây, Mỹ dường như đang cân nhắc mở căn cứ ở Ba Lan để chuẩn bị thiết lập các hệ thống tên lửa trên lãnh thổ quốc gia láng giềng với Nga này.
Nhân chuyến thăm của Phó Tổng thống Pence đến Warsaw, Ba Lan đã ký hợp đồng mua 20 hệ thống phóng rocket di động HIMARS của Mỹ cùng một số quân dụng với tổng trị giá 414 triệu USD. Toàn bộ đơn hàng sẽ do tập đoàn sản xuất vũ khí Lockheed Martin sản xuất.
Hiện Nga chưa lên tiếng về tuyên bố lần này của Ba Lan. Trước đó, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov từng cho rằng sự bành trướng ngày càng tăng của các cấu trúc quân sự NATO gần biên giới Nga sẽ không có lợi cho an ninh và ổn định ở châu lục và sẽ dẫn tới các biện pháp đáp trả của Nga nhằm khôi phục cán cân sức mạnh quân sự.
Thái Hà