Trong một tin tức phát hành ngày 2/5, Bộ Quốc phòng Mỹ tiết lộ, cơ quan này vừa tiến hành thử nghiệm thành công một mẫu tên lửa siêu thanh trên biển tại Trạm Không gian Cape Canaveral ở Florida.

Cuộc thử nghiệm đánh dấu lần đầu tiên triển khai khả năng tấn công siêu thanh nhanh chóng với đầu đạn thông thường theo nguyên tắc “khởi động lạnh”, hay còn gọi là “phóng súng cối”.

“Việc sử dụng khí lạnh cho phép Hải quân đưa tên lửa từ bệ phóng lên khoảng cách an toàn phía trên con tàu trước khi phóng tầng thứ nhất. Thành tựu kỹ thuật này đưa chương trình hệ thống chiến lược của Hải quân Mỹ tiến thêm một bước gần hơn tới việc hoàn thành sứ mệnh đảm bảo khả năng siêu thanh an toàn và đáng tin cậy cho Hải quân của chúng ta.”, Phó Đô đốc Hải quân Mỹ Johnny Wolf- Giám đốc chương trình hệ thống chiến lược, một trong những nhà phát triển chính của tên lửa siêu thanh tuyên bố.

leftcenterrightdel
 Cuộc thử nghiệm tên lửa siêu thanh trang bị cho Hải quân Mỹ. Nguồn: U.S. Navy.

Bộ trưởng Hải quân Mỹ John Phelan nhấn mạnh, tốc độ, tầm bắn và khả năng sống sót của vũ khí siêu thanh là chìa khóa cho khả năng răn đe tích hợp của nước này, khi Chương trình tấn công chớp nhoáng thông thường (CPS) của Hải quân được triển khai.

Lầu Năm Góc gọi cuộc phóng thử nghiệm này là “bước đi tiếp theo trong quá trình thử nghiệm bay của hệ thống Common All Up Round”, đang được Hải quân Mỹ phối hợp phát triển cùng với Cơ quan Công nghệ quan trọng và Khả năng ứng phó nhanh của quân đội Mỹ.

leftcenterrightdel
 Vũ khí siêu thanh trên biển dự kiến sẽ được trang bị đầu tiên cho khu trục hạm USS Zumwalt. Nguồn: U.S. Navy.

Năm 2024, Cơ quan Công nghệ quan trọng hợp tác với Chương trình hệ thống chiến lược hải quân (SSP), đã tiến hành thành công hai cuộc thử nghiệm bay tích hợp của tên lửa siêu thanh thông thường All Up Round (AUR).

Chương trình CPS dự kiến sẽ được triển khai đầu tiên trên khu trục hạm tên lửa dẫn đường USS Zumwalt.

Hồi tháng 3, Phó Tham mưu trưởng Lục quân James Mingus lưu ý rằng, Lục quân và Hải quân Mỹ sẽ nhận được vũ khí siêu thanh tầm xa mới vào cuối năm nay.

Văn Phong/DOD, Sputnik