Ngày 12/12, giờ Washington, thông cáo của Lầu Năm Góc cho biết, Văn phòng Công nghệ trọng yếu và khả năng tấn công nhanh của Lục quân Mỹ (RCCTO) phối hợp với Chương trình hệ thống chiến lược (SSP) của Hải quân, đã hoàn thành thành công cuộc thử nghiệm hoàn chỉnh một tên lửa siêu thanh thông thường từ Trạm Lực lượng Không gian Cape Canaveral, ở Florida.

“Cuộc thử nghiệm đánh dấu một cột mốc quan trọng trong quá trình phát triển một trong những hệ thống vũ khí tiên tiến nhất của chúng tôi. Chúng tôi sẽ tiếp tục đẩy nhanh việc tích hợp vũ khí này vào các tàu nổi và tàu ngầm của Hải quân để đảm bảo chúng tôi vẫn là lực lượng chiến đấu hàng đầu thế giới.”, Bộ trưởng Hải quân Carlos Del Toro cho biết.

leftcenterrightdel
 Hình ảnh vụ thử tên lửa siêu thanh của Mỹ ngày 12/12. Nguồn: Lầu Năm Góc.

Theo thông cáo, đây là lần phóng thử thành công thứ hai loại vũ khí này trong năm.

Lầu Năm Góc không tiết lộ loại tên lửa, trong khi chuyên trang quân sự Mỹ the War Zone cho biết, tên lửa siêu thanh tâm xa (LRHW) Dark Eagle được phóng trong vụ thử nghiệm, là tên lửa mà Hải quân Mỹ có kế hoạch trang bị cho các tàu khu trục tàng hình lớp Zumwalt và tàu ngầm lớp Virginia Block V trong tương lai.

Quân đội Mỹ từng tiết lộ, Dark Eagle đạt tốc độ tối đa gấp 17 lần tốc độ âm thanh (Mach 17) và tầm bắn khoảng 3.000 km.

Sự kiện được Quân đội Mỹ thông báo sau khi ngày 22/11, Nga tuyên bố thử nghiệm thành công tên lửa đạn đạo tầm trung mới nhất Oreshnik. Tên lửa tấn công các mục tiêu thực địa ở Ukraine với tốc độ Mach 10.

leftcenterrightdel
 Đây là lần thử thứ hai tên lửa này trong năm nay. Nguồn: WAI.

Sau khi thông tin vụ thử của Mỹ được Lầu Năm Góc tiết lộ, ngày 13/12, chuyên gia quân sự Nga Alexei Leonkov nói rằng, mặc dù Washignton cùng với các đối tác từ châu Âu, Nhật Bản và Úc đã phát triển vũ khí siêu thanh trong một thời gian dài, nhưng vẫn đang ở trình độ của Nga cách đây 40 năm!

“Dự án này đã có từ nhiều năm trước. Nó bắt đầu với tên gọi là Vũ khí siêu thanh tiên tiến. Dự án được thực hiện vì lợi ích của lực lượng mặt đất. Một tên lửa hai tầng. Tầng đầu tiên là tên lửa đẩy, tầng thứ hai là đầu đạn lượn, có thể bắn trúng mục tiêu ở khoảng cách khoảng 5,5 nghìn km. Thực sự đây là một tên lửa tầm trung.”, ông Leonkov nói.

leftcenterrightdel
 Tên lửa thử nghiệm được cho là loại LRHW Dark Eagle. Nguồn: WAI.

Theo chuyên gia Nga, khái niệm tên lửa này phù hợp với trình độ phát triển của Liên Xô vào những năm 1980. Cách tiếp cận tương tự được sử dụng trong tên lửa tác chiến- chiến thuật Iskander, bay theo quỹ đạo gần giống đạn đạo.

Chuyên gia Leonkov cho biết, tên lửa Kinzhal và Zircon của Nga thuộc thế hệ đầu tiên của tên lửa siêu thanh cơ động hoàn chỉnh. Và hiện Nga đã có Oreshnik, là thế hệ tên lửa siêu thanh thứ hai.

Theo ông Leonkov, trong giai đoạn đầu thử nghiệm tên lửa siêu thanh của Mỹ, Lầu Năm Góc đã tiến hành hai lần phóng, trong đó có một lần thành công. Chương trình sau đó đã trải qua nhiều lần cắt giảm nhưng không bị đóng lại, và để hoàn thành nó, người Mỹ đã thành lập một tập đoàn, với sự tham gia của cả các nước châu Âu, Nhật Bản và Úc.

leftcenterrightdel
 Một bệ phóng Dark Eagle được nhìn thấy trong một cuộc tập trận của Quân đội Mỹ. Nguồn: US Army.

Trước đó, tên lửa siêu thanh của Mỹ đã được phóng vài lần vào các năm 2022 và 2023. Dựa trên kết quả, các nhà phát triển tuyên bố rằng họ đã nhận được dữ liệu mới để cải thiện hơn nữa chương trình siêu thanh có kiểm soát. Theo giải thích của chuyên gia, điều này có nghĩa là đầu đạn không chạm tới được mục tiêu hoặc không đạt được sự cơ động.

Bất chấp mọi thất bại, theo ông Leonkov, Quốc hội Mỹ vẫn coi dự án này là triển vọng và tổng cộng hơn 30 tỉ đô la đã được phân bổ cho chương trình này trong giai đoạn 2024-2025.

Văn Phong/BQP Mỹ, The War Zone, Sputnik