Hôm 18/4, Mỹ đã phủ quyết một nghị quyết của LHQ được ủng hộ rộng rãi, vốn có thể mở đường cho nhà nước Palestine trở thành thành viên đầy đủ của LHQ.
Cuộc bỏ phiếu trong HĐBA gồm 15 thành viên nhận được 12 phiếu thuận và 2 phiếu trắng (Anh và Thụy Sĩ). Trong khi Mỹ phản đối, các đồng minh của Washington là Pháp, Nhật Bản và Hàn Quốc ủng hộ nghị quyết này.
Sự ủng hộ mạnh mẽ mà Palestine nhận được không chỉ cho thấy ngày càng nhiều quốc gia công nhận tư cách nhà nước của họ mà còn là sự hỗ trợ toàn cầu dành cho người Palestine đang đối mặt với cuộc khủng hoảng nhân đạo do cuộc chiến ở Gaza gây ra, hiện đã bước sang tháng thứ 7.
Nếu không bị ngăn lại, nghị quyết khuyến nghị Đại hội đồng LHQ gồm 193 thành viên, nơi không có quyền phủ quyết, chấp thuận Palestine trở thành thành viên thứ 194 của LHQ. Khoảng 140 quốc gia đã công nhận nhà nước Palestine, vì vậy việc kết nạp nhà nước này sẽ được chấp thuận.
Đây là nỗ lực thứ hai của phía Palestine nhằm trở thành thành viên đầy đủ của LHQ, và điều này diễn ra khi cuộc chiến ở Gaza, hiện đã bước sang tháng thứ 7, đã đưa cuộc xung đột kéo dài hơn 75 năm giữa Israel và Palestine đến đỉnh điểm.
Phó Đại sứ Mỹ tại LHQ Robert Wood cho rằng, tư cách thành viên của Palestine “cần phải là kết quả của cuộc đàm phán giữa Israel và người Palestine”.
|
|
Phó Đại sứ Mỹ tại Liên hiệp quốc Robert Wood. Ảnh: AP. |
Ông Wood nhấn mạnh rằng, cam kết của Mỹ đối với giải pháp hai nhà nước, trong đó Israel và Palestine cùng chung sống hòa bình, là con đường duy nhất đảm bảo an ninh cho cả hai bên và để Israel thiết lập quan hệ với tất cả các nước láng giềng Ả Rập, bao gồm cả Ả Rập Saudi.
“Mỹ cam kết tăng cường can dự với người Palestine và phần còn lại của khu vực, không chỉ để giải quyết cuộc khủng hoảng hiện tại ở Gaza mà còn thúc đẩy một giải pháp chính trị sẽ tạo ra con đường đưa người Palestine trở thành nhà nước và trở thành thành viên của LHQ.”, ông Wood nói.
Palestine chuyển đơn đăng ký gia nhập LHQ vào năm 2011. Nỗ lực ban đầu đó đã thất bại vì phía Palestine không nhận được sự ủng hộ tối thiểu cần thiết của 9 trong số 15 thành viên HĐBA.
Tuy nhiên tại Đại hội đồng LHQ sau đó, Palestine đã nhận được hơn 2/3 số phiếu ủng hộ, thành công trong việc nâng vị thế của họ từ quan sát viên LHQ lên quốc gia quan sát viên phi thành viên vào tháng 11/2012. Điều đã mở ra cơ hội cho các vùng lãnh thổ của Palestine gia nhập LHQ và các tổ chức quốc tế khác, trong đó có Tòa án Hình sự Quốc tế.
Đại sứ Algeria tại Liên hợp quốc Amar Bendjama, đại diện các quốc gia Ả Rập trong hội đồng, người đưa ra nghị quyết, gọi việc thừa nhận Palestine là “một bước quan trọng hướng tới việc khắc phục sự bất công lâu đời”; nói rằng “hòa bình sẽ đến từ sự hòa nhập của Palestine chứ không phải từ việc loại trừ họ”.
Palestine đã khôi phục lại nỗ lực gia nhập LHQ vào đầu tháng 4, với sự ủng hộ của 140 quốc gia đã công nhận Palestine là một quốc gia độc lập.
Ông Ziad Abu Amr, đại diện đặc biệt của Tổng thống Palestine, nói, việc thông qua nghị quyết này sẽ mang lại cho người dân Palestine hy vọng “có một cuộc sống tử tế trong một quốc gia độc lập”.
Các cuộc đàm phán giữa Israel và Palestine bị đình trệ trong nhiều năm và chính phủ cánh hữu của Israel bị chi phối bởi những người có đường lối cứng rắn phản đối nhà nước Palestine.