Bộ Quốc phòng Mỹ ngày 19/8 bắn thử một quả tên lửa đạn đạo phi hạt nhân từ đảo San Nicolas thuộc bang California vào mục tiêu cách đó hơn 500km, theo Reuters. Quả tên lửa, vốn bị cấm triển khai bởi INF, đã đánh trúng mục tiêu và được mô tả là bước đệm cho việc phát triển các mẫu khí tài uy lực hơn.
"Dữ liệu và các kinh nghiệm thu được từ cuộc thử nghiệm này sẽ giúp Bộ Quốc phòng Mỹ phát triển tính năng cho các vũ khí tầm xa trong tương lai", Lầu Năm Góc thông báo.
Cùng ngày, một quan chức quốc phòng Mỹ nói rằng tên lửa sử dụng bệ phóng thẳng đứng Mk-41. Tuy nhiên, quan chức này khẳng định loại bệ phóng Mk-41 ở Mỹ không giống mẫu được trang bị cho lá chắn Aegis Ashore được Mỹ triển khai ở Romania.
Hồi đầu năm, Nga cáo buộc các bệ phóng Mk-41 của Mỹ ở châu Âu có thể được sử dụng cho mục đích khai hỏa tên lửa tầm trung và theo đó vi phạm nghiêm trọng INF, song Mỹ phủ nhận. Washington chưa nói rõ mẫu Mk-41 ở Mỹ và Mk-41 ở châu Âu khác nhau thế nào.
Đây là lần đầu Washington thử tên lửa hành trình phóng từ mặt đất kể từ khi Mỹ rút khỏi INF, kéo theo động thái trả đũa tương tự của Nga hôm 2/8. Thông tấn Nga TASS ngày 19/8 dẫn lời Chủ tịch ủy ban Quốc phòng An ninh Thượng viện Nga Frants Klintsevich tuyên bố vụ phóng trông giống như hành vi "nhạo báng" cộng đồng quốc tế.
INF được Mỹ ký với Liên Xô, nay là Nga từ năm 1987, cấm hai nước sản xuất, vận hành tên lửa phóng từ mặt đất có tầm bắn 500-5.500km. Hiệp ước này có vai trò quan trọng giúp chấm dứt nghi kị giữa hai siêu cường quân sự hậu Chiến tranh Lạnh.
Năm ngoái, Mỹ cáo buộc tên lửa 9M729 Novator mà Nga mới ra mắt vi phạm INF để lấy cớ rút khỏi hiệp ước, song không đưa ra bằng chứng nào. Nga hồi tháng 2 cũng nói rằng Mỹ vi phạm INF khi triển khai bệ phóng tên lửa Mk41 tới châu Âu, vốn có thể sử dụng để phóng tên lửa Tomahawk phiên bản mặt đất.
Vài tháng trước, Mỹ tuyên bố sẽ phóng thử tên lửa có tầm bắn 3-4000km ngay trong năm nay, đồng thời dọa triển khai các mẫu tên lửa này trong vòng 2-5 năm. Bộ Quốc phòng Mỹ cũng thông báo châu Á sẽ là đích đến của các tên lửa loại này.