Đàm phán gián tiếp!

Ngày 8/4, phát biểu với đài truyền hình nhà nước khi đang ở thăm Algeria, Ngoại trưởng Iran Abbas Araqchi cho biết, ông sẽ gặp đặc phái viên của Tổng thống Mỹ Steve Witkoff tại Oman, trong cuộc đàm phán gián tiếp đầu tiên dưới thời chính quyền Trump, về chương trình hạt nhân của Tehran, trong bối cảnh căng thẳng ở Trung Đông vẫn duy trì ở mức cao.

Cuộc đàm phán gián tiếp cấp cao Mỹ- Iran được lên kế hoạch tại Oman vào ngày 12/4.

“Mục tiêu chính của chúng tôi trong các cuộc đàm phán là khôi phục quyền đương nhiên của người dân cũng như dỡ bỏ lệnh trừng phạt, và nếu bên kia có ý chí thực sự, điều này có thể đạt được, và nó không liên quan đến cách thức,  trực tiếp hay gián tiếp. Hiện tại, gián tiếp là ưu tiên của chúng tôi. Và chúng tôi không có kế hoạch thay đổi nó thành trực tiếp.”, ông Araqchi nói.

Phát biểu của Ngoại trưởng Iran vài giờ sau khi trong buổi tiếp Thủ tướng Israel Benyamin Netanyahu tại Nhà Trắng ngày 7/4, Tổng thống Donald Trump thông báo, Washington đã mở các cuộc đàm phán ‘trực tiếp’ với Tehran về hồ sơ hạt nhân. 

Ông Trump cũng một lần nữa đe dọa rằng, nếu các cuộc đàm phán không thành công, “Iran sẽ gặp nguy hiểm lớn”.

leftcenterrightdel
 Ngoại trưởng Iran Abbas Araghchi (bên trái) và đặc phái viên Nhà Trắng Steve Witkoff dự kiến sẽ có cuộc tiếp xúc gián tiếp tại Oman vào ngày 12/4. Ảnh: AP Stringer, Mark Schiefelbein.

Bộ Ngoại giao Iran lưu ý, cuộc đàm phán Iran- Mỹ diễn ra gián tiếp thông qua trung gian Oman.

Ngày 7/3, ông Trump tuyên bố đã gửi thư cho Lãnh tụ tối cao Iran Ali Khamenei, trong đó nêu rõ rằng, ông muốn đạt thỏa thuận với Tehran về chương trình hạt nhân của nước này.

Ông Trump lưu ý, Washington đang cân nhắc hai phương án có thể để giải quyết vấn đề hạt nhân Iran, bằng quân sự hoặc ngoại giao, đồng thời nhấn mạnh rằng, ông thiên về hướng đàm phán.

Trước đó vào tháng 2, ông Trump cho biết sẵn sàng ký thỏa thuận với Iran thay vì tiến hành chiến tranh chống lại nước này.

Ông Trump tuyên bố muốn đạt thỏa thuận hòa bình hạt nhân “được xác minh kiểm chứng” với Iran, cho phép Tehran phát triển và thịnh vượng trong hòa bình, đồng thời kêu gọi bắt đầu công việc ngay lập tức.

Tháng 7/2015, Anh, Đức, Trung Quốc, Nga, Mỹ, Pháp và Iran đã đạt được thỏa thuận hạt nhân (JCPOA), theo đó dỡ bỏ lệnh trừng phạt để đổi lấy hạn chế chương trình hạt nhân của Iran.

Tuy nhiên trong nhiệm kỳ Tổng thống đầu tiên của mình, ông Trump đã tuyên bố rút Mỹ khỏi JCPOA vào tháng 5/2018 và khôi phục các lệnh trừng phạt chống Tehran.

leftcenterrightdel
 Máy ly tâm tại cơ sở làm giàu uranium Natanz, miền Trung Iran. Ảnh: AEOI/ZUMA.

Đáp trả, Iran tuyên bố sẽ giảm dần các cam kết của mình trong khuôn khổ thỏa thuận, cụ thể là từ bỏ các hạn chế về nghiên cứu hạt nhân và mức độ làm giàu uranium.

Các cuộc đàm phán để khôi phục thỏa thuận hạt nhân đã diễn ra tại Vienna từ năm 2021 đến năm 2022 nhưng đã kết thúc mà không có kết quả. 

Khi trở lại Nhà Trắng vào năm 2025, ông Trump đã ký một sắc lệnh hành pháp để tiếp tục chính sách gây sức ép tối đa đối với Iran và đe dọa hành động quân sự nếu Tehran từ chối đồng ý với một thỏa thuận mới với Washington.

Tin liên quan, ngày 7/4, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho biết, các cuộc tham vấn giữa Nga, Trung Quốc và Iran về vấn đề hạt nhân Iran sẽ diễn ra tại Moscow vào ngày 8/4, ngay trước cuộc tiếp xúc Tehran- Washington.

Nga sẽ có biện pháp trong trường hợp Mỹ tấn công Iran!

Ngày 8/4, hãng thông tấn Sputnik dẫn phát biểu của Thứ trưởng Ngoại giao Nga, Andrei Rudenko, tại Duma Quốc gia khi phê chuẩn thỏa thuận về quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Nga - Iran, cho biết, theo một thỏa thuận đối tác mới, Nga sẽ không có nghĩa vụ cung cấp hỗ trợ quân sự cho Iran trong trường hợp bị Mỹ tấn công, nhưng sẽ nỗ lực để giải quyết tình hình.

“Thỏa thuận này không phải là thỏa thuận về liên minh quân sự, vì vậy trong trường hợp xảy ra tình huống Mỹ tấn công Iran, Nga không có nghĩa vụ cung cấp hỗ trợ quân sự. Nhưng thỏa thuận cũng bao gồm các điều khoản khác liên quan đến việc phát triển hợp tác kỹ thuật quân sự và tương tác quân sự. Sự hợp tác như vậy đang phát triển tích cực.”, ông Rudenko nói.

leftcenterrightdel
 Nga, Trung Quốc và Iran tham vấn về vấn đề hạt nhân Iran, Moscow ngày 8/4. Nguồn: TheGeostrata.

Ông Rudenko giải thích, Nga muốn tránh bằng mọi giá một kịch bản như vậy, vì nó đe dọa đến hậu quả thảm khốc nhất cho khu vực; ngoài ra, Nga sẽ bị lôi kéo vào việc giải quyết một cuộc xung đột khác.

Trong khi trả lời AP về thông tin cuộc đàm phán Mỹ- Iran do ông Trump đưa ra, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết, Nga hoan nghênh các cuộc đàm phán này; nhấn mạnh, Moscow ủng hộ việc giải quyết vấn đề hồ sơ hạt nhân Iran bằng các biện pháp chính trị và ngoại giao.

“Chúng tôi biết rằng một số cuộc tiếp xúc, cả trực tiếp và gián tiếp, đang được lên kế hoạch ở Oman và chúng tôi hoan nghênh động thái này, vì chúng có thể giúp dẫn đến việc giảm leo thang căng thẳng xung quanh Iran.”, ông Peskov nói.

Văn Phong/Sputnik, IRNA, TASS, AP