Ưu tiên giải quyết xung đột ở Ukraine
Ngày 13/2, truyền thông Nga dẫn thông tin từ Thư kí báo chí Điện Kremlin, tiết lộ, Tổng thống nước này Vladimir Putin và người đồng cấp Mỹ Donald Trump đã có cuộc điện đàm kéo dài 1,5 giờ vào sáng 12/2.
Trong cuộc trò chuyện, ông Putin đã mời nhà lãnh đạo Mỹ tới Moscow.
“Đó là một cuộc trò chuyện qua điện thoại rất dài. Nó kéo dài gần một tiếng rưỡi. Hai nguyên thủ quốc gia đã thảo luận các vấn đề liên quan đến trao đổi công dân của Nga và Mỹ. Tổng thống Mỹ đảm bảo rằng phía Mỹ sẽ thực hiện tất cả các thỏa thuận đã đạt được.”, ông Peskov nói với các phóng viên.
Tổng thống Nga Vladimir Putin đồng ý với nhà lãnh đạo Mỹ Donald Trump rằng, Moscow và Washington phải hợp tác cùng nhau.
Hai ông Putin và Trump cũng đồng ý tiếp tục liên lạc cá nhân, bao gồm cả việc tổ chức cuộc gặp cá nhân.
![left](/image/images/left.png) ![center](/image/images/center.png) ![right](/image/images/right.png) ![del](/images/red-error_16px.gif) |
![](https://baovephapluat.vn/data/images/0/2025/02/13/huannv/sputnik-1.jpg?dpi=150&quality=100&w=820) |
Cuộc gọi ngày 12/2 là cuộc tiếp xúc chính thức đầu tiên trong nhiệm kì 2 của Tổng thống Mỹ Donald Trump với người đồng cấp Nga Vladimir Putin. Ảnh: Sputnik. |
Cũng theo ông Peskov, một trong những chủ đề chính được hai nhà lãnh đạo thảo luận trong cuộc điện đàm là việc giải quyết xung đột ở Ukraine.
Về chủ đề này, hai nhà lãnh đạo có ý định bắt đầu đàm phán để giải quyết ngay lập tức.
“Tổng thống Putin bày tỏ sự sẵn sàng tiếp đón các quan chức Mỹ ở Nga trong các lĩnh vực công việc mà hai bên cùng quan tâm, tất nhiên, bao gồm cả chủ đề giải quyết vấn đề Ukraine.”, ông Peskov nói.
Tổng thống Trump lên tiếng ủng hộ việc sớm chấm dứt thù địch và giải quyết vấn đề bằng các biện pháp hòa bình.
“Tổng thống Putin đã đề cập đến sự cần thiết phải loại bỏ nguyên nhân gốc rễ của cuộc xung đột và đồng ý với ông Trump rằng có thể đạt được một giải pháp lâu dài thông qua đàm phán hòa bình.”, ông Peskov nói.
Viết trên trang cá nhân sau cuộc gọi với ông Putin, ông Trump cho biết, họ đã đồng ý để các nhóm của hai bên tiến hành đàm phán ngay lập tức và ông sẽ bắt đầu bằng cách gọi điện cho Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky.
![left](/image/images/left.png) ![center](/image/images/center.png) ![right](/image/images/right.png) ![del](/images/red-error_16px.gif) |
![](https://baovephapluat.vn/data/images/0/2025/02/13/huannv/ap2.jpg?dpi=150&quality=100&w=820) |
Ông Trump phát biểu khi bà Tulsi Gabbard tuyên thệ nhậm chức Giám đốc Tình báo quốc gia tại Nhà Trắng, ngày 12/2. Ảnh:Alex Brandon/AP. |
Ông Trump cũng cho biết, ông mong đợi một cuộc gặp trong tương lai gần với ông Putin ở Ả Rập Xê Út, nơi sẽ diễn ra các cuộc đàm phán hòa bình về Ukraine.
Đề cập cuộc gọi với nhà lãnh đạo Ukraine diễn ra sau đó, ông Trump cho biết, cuộc trò chuyện diễn biến triển vọng. Và, giống như như ông Putin, ông Zelensky mong muốn hòa bình.
Văn phòng Tổng thống Ukraine xác nhận, hai ông Trump- Zelensky đã nói chuyện trong khoảng một giờ.
“Tôi đã có một cuộc trò chuyện ý nghĩa với Tổng thống Mỹ. Chúng tôi đã nói về các cơ hội để đạt được hòa bình, thảo luận về sự sẵn sàng hợp tác của chúng tôi… Chúng tôi tin rằng sức mạnh của Mỹ, cùng với Ukraine và tất cả các đối tác của chúng tôi, đủ để thúc đẩy Nga tiến tới hòa bình.”, ông Zelensky cho biết.
Lộ diện quan điểm của chính quyền Mỹ về giải quyết xung đột Ukraine
Cùng ngày 12/2, phát biểu tại một cuộc họp của hơn 40 đồng minh nhóm Liên lạc Quốc phòng Ukraine tại trụ sở NATO ở Brussels, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Pete Hegseth nói, chấm dứt chiến tranh là ưu tiên hàng đầu của chính quyền Trump, nhưng việc khôi phục biên giới trước năm 2014 của Ukraine (thời điểm trước khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea của Ukraine ở Biển Đen) là mục tiêu không thực tế.
“Chúng tôi muốn, giống như các bạn, một Ukraine có chủ quyền và thịnh vượng. Nhưng chúng ta phải bắt đầu bằng cách thừa nhận rằng việc quay trở lại biên giới trước năm 2014 của Ukraine là một mục tiêu không thực tế.”, ông Hegseth nói, lưu ý, việc theo đuổi mục tiêu “ảo tưởng” này sẽ chỉ kéo dài chiến tranh và gây ra nhiều đau khổ hơn.
Ông Hegseth cũng nói với các đồng minh NATO rằng, họ sẽ phải hành động và đảm nhận trách nhiệm lớn hơn đối với an ninh của châu Âu. Ông cho biết, những thực tế chiến lược khắc nghiệt, chẳng hạn như các vấn đề an ninh biên giới của Mỹ và các mối đe dọa từ các đối thủ ở châu Á, đã ngăn cản Mỹ tập trung chủ yếu vào an ninh của châu Âu.
![left](/image/images/left.png) ![center](/image/images/center.png) ![right](/image/images/right.png) ![del](/images/red-error_16px.gif) |
![](https://baovephapluat.vn/data/images/0/2025/02/13/huannv/ap.jpg?dpi=150&quality=100&w=820) |
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Pete Hegseth phát biểu trong cuộc họp của nhóm Liên lạc Quốc phòng Ukraine tại trụ sở NATO ở Brussels, ngày 12/2. Ảnh: AP. |
Ông Hegseth cho biết bất kì nền hòa bình lâu dài nào cũng phải bao gồm những đảm bảo an ninh vững chắc để bảo đảm rằng chiến tranh sẽ không bắt đầu lại. Nhưng ông cho biết, quân đội Mỹ sẽ không được triển khai tới Ukraine như một phần của những đảm bảo như vậy.
Thay vào đó, các đảm bảo an ninh nên được hỗ trợ bởi quân đội có năng lực của châu Âu và ngoài châu Âu.
“Nếu những đội quân này được triển khai với tư cách là lực lượng gìn giữ hòa bình tới Ukraine tại bất kì thời điểm nào, họ nên được triển khai như một phần của nhiệm vụ không phải của NATO và họ không nên được bảo vệ theo Điều 5.”, ông Hegseth nói, nhắc đến điều khoản phòng thủ chung của liên minh quân sự.
Người đứng đầu Lầu Năm Góc cũng cho biết, Mỹ không tin rằng tư cách thành viên NATO của Ukraine là một phần của giải pháp cho cuộc xung đột.
Tại lễ tuyên thệ nhậm chức của tân Giám đốc tình báo quốc gia Tulsi Gabbard, ông Trump đã nhắc lại những gì người đứng đầu Lầu Năm Góc Hegseth đã nói trước đó trong ngày, cho biết, Ukraine có thể sẽ phải nhượng bộ vấn đề lãnh thổ để đạt được hòa bình.
![left](/image/images/left.png) ![center](/image/images/center.png) ![right](/image/images/right.png) ![del](/images/red-error_16px.gif) |
![](https://baovephapluat.vn/data/images/0/2025/02/13/huannv/gm.png?dpi=150&quality=100&w=820) |
Bán đảo Crimea và 4 vùng lãnh thổ mới ở đông nam Ukraine do các lực lượng Nga kiểm soát (màu nâu) tại thời điểm Moscow tuyên bố sáp 4 vùng này, tháng 9/2022. Ảnh: GM. |
Nhà lãnh đạo Mỹ cho biết, như phát biểu của ông Hegseth, ông nhận được nhiều ý kiến cho rằng, khả năng khôi phục biên giới của Ukraine trước năm 2014 là không khả thi, tuy có thể khôi phục một phần lãnh thổ.
Ông Trump nhấn mạnh, ông chỉ cố gắng đạt được hòa bình mà không đặt nặng bất cứ điều gì khác, để ngăn chặn hàng triệu người bị giết.
Phát biểu của ông Trump và người đứng đầu Lầu Năm Góc được cho là tuyên bố công khai rõ ràng và thẳng thắn nhất cho đến nay về cách tiếp cận của chính quyền mới của Mỹ đối với cuộc chiến kéo dài ngót 3 năm ở Ukraine.
Nga đã sáp nhập bán đảo Crimea của Ukraine ở Biển Đen vào tháng 3/2014 và sau đó ủng hộ lực lượng li khai thân Nga trong một cuộc nổi dậy chống lại lực lượng Kyiv ở khu vực Donbas, miền Đông của Ukraine.
Tháng 2/2022, Nga tiến hành “chiến dịch quân sự đặc biệt” ở miền Đông và miền Nam Ukraine.
Ngày 30/9/2022, Nga sáp nhập 4 vùng lãnh thổ mới của Ukraine là Donetsk, Lugansk, Kherson và Zaporozhye.
Moscow hiện kiểm soát khoảng 20% lãnh thổ của Ukraine, chủ yếu ở phía đông và phía nam.