Tổng Công tố Libya, al-Sediq al-Sour, cho biết, các Công tố viên đã khởi động cuộc điều tra vụ vỡ 2 con đập được xây dựng vào những năm 1970, cũng như việc phân bổ kinh phí bảo trì, làm rõ nguyên nhân sự cố gây thảm họa lũ lụt chưa từng có khiến hơn 20.000 người chết, mất tích.

Ông al-Sour nói, các Công tố viên sẽ điều tra chính quyền địa phương, bao gồm giới chức tiền nhiệm.

“Tôi đảm bảo với người dân rằng, các Công tố viên sẽ có biện pháp mạnh, khởi tố và đưa ra xét xử với bất cứ ai phạm sai lầm hoặc cẩu thả.”, ông al-Sour nói trong một cuộc họp báo vào cuối ngày 15/9 ở Derna, thành phố bị thiệt hại nặng nề sau khi cơn bão Daniel tràn qua vào cuối tuần trước.

leftcenterrightdel
 Thảm họa lũ lụt chưa từng có tàn phá nhà cửa, cơ sở hạ tầng ở Libya. Ảnh: Omran Al-Fetori / Reuters.

Hoàn lưu cơn bão mang theo lượng mưa lớn đã làm vỡ 2 con đập trong vùng, tạo ra một cột nước nước cao vài mét quét qua trung tâm thành phố Derna, phá hủy các khu dân cư lân cận và cuốn trôi người dân ra biển.

Các quan chức thành phố Derna đã đưa ra cảnh báo người dân sơ tán khỏi các khu vực ven biển trước khi cơn bão ập tới, do lo ngại triều cường, tuy nhiên không có cảnh báo nào về nguy cơ từ 2 con đập lớn trong vùng, đã bị vỡ vào rạng sáng ngày 11/9, khi mọi người còn đang chìm trong giấc ngủ.

leftcenterrightdel
 Lũ quét mang theo đất đã chôn vùi các khu dân cư. Ảnh: Abdullah Mohammed Bonja / AA / Getty.

Một báo cáo của cơ quan kiểm toán nhà nước vào năm 2021 nói, 2 con đập đã không được bảo trì mặc dù được phân bổ hơn 2 triệu USD cho mục đích này trong 2 năm 2012 - 2013.

AP đặt câu hỏi, không rõ có thể tiến hành một cuộc điều tra như vậy ở quốc gia Bắc Phi vốn rơi vào tình trạng hỗn loạn sau cuộc nổi dậy do NATO hậu thuẫn lật đổ nhà độc tài Moammar Gadhafi vào năm 2011.

Kể từ đó, Libya đã bị chia rẽ giữa 2 chính quyền đối lập, một ở phía đông, một ở phía tây và hệ quả là sự bỏ bê hệ thống hạ tầng quan trọng.

leftcenterrightdel
 Sang ngày thứ 6 sau trận lũ, lực lượng cứu hộ vẫn đang tìm kiếm nạn nhân dưới đống đổ nát. Ảnh: Ahmed Elumami / Reuters.

Bước sang ngày thứ 6 sau sự cố vỡ đập, các đội cứu hộ địa phương và quốc tế vẫn đang làm việc ngày đêm, hy vọng tìm kiếm những người sống sót trong thành phố 90.000 dân.

Theo Tổ chức Trăng lưỡi liềm đỏ Libya, khoảng hơn 10.000 người vẫn đang mất tích sau thảm họa lũ lụt lịch sử. Các nạn nhân được cho là đã bị chôn vùi dưới đống đổ nát hoặc bị cuốn ra biển Địa Trung Hải.

Các nhà chức trách cũng đang lo ngại về khả năng phát sinh và  lây lan các dịch bệnh lây truyền qua đường nước tại các vùng trải qua lũ lụt, do tình trạng phân hủy xác động vật chết, rác thải và nguồn nước bị ô nhiễm.

Văn Phong (theo AP)