Chuyến công du đầu tiên tới châu Á của Tổng thống Mỹ Donald Trump vào tháng 11 được dư luận quốc tế và giới chuyên gia kỳ vọng là cơ hội quý giá để Washington thể hiện được tầm nhìn mới về chính sách đối ngoại với châu Á – Thái Bình Dương, vốn rất được các đồng minh và đối tác trong khu vực chờ đợi sau một thời gian dài bất an.

Cam kết của Mỹ ở châu Á từng là chủ đề gây tranh cãi, khi ông Trump quyết định rút Mỹ khỏi Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) và chấm dứt chính sách "xoay trục châu Á" của người tiền nhiệm Obama. Chính quyền Trump đến nay vẫn chưa đề ra một chính sách lớn tương tự về kinh tế, chính trị và quân sự để hướng tới khu vực từng được coi là "chìa khóa cho tương lai nước Mỹ" này.

Tuy nhiên, các nhà quan sát quốc tế cho rằng những dấu hiệu về một chiến lược lớn của Mỹ có thể xuất hiện vào tuần tới, khi ông Trump lên đường thực hiện chuyến công du qua một loạt nước châu Á gồm Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Việt Nam và Philippines, theo Japan Times.

Tự do thương mại

Tự do thương mại đang là vấn đề rất được quan tâm trước thềm chuyến công du châu Á của Trump, đặc biệt là khi Mỹ rút khỏi TPP, khiến thỏa thuận đầy tham vọng này có nguy cơ sụp đổ. Trong khi đó, Trung Quốc cũng đang thúc đẩy Sáng kiến Vành đai và Con đường nhằm thu hút một loạt quốc gia Đông Nam Á, Trung Á, Trung Đông và châu Phi tham gia vào các dự án cơ sở hạ tầng của mình.

Hồi tuần trước, Ngoại trưởng Nhật Taro Kono tuyên bố ông sẽ tận dụng chuyến công du sắp tới của Tổng thống Trump để đề xuất một phương án có thể được coi là biện pháp thay thế cho Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc.

Trong bài phỏng vấn với Nikkei, ông Kono cho biết Tokyo muốn thiết lập khuôn khổ đối thoại cấp cao giữa Nhật Bản, Mỹ, Ấn Độ và Australia để 4 cường quốc này cùng thúc đẩy tự do thương mại và hợp tác trong các lĩnh vực quốc phòng, an ninh trên Biển Đông, Ấn Độ Dương và các tuyến đường tới châu Phi.

Kono khẳng định kế hoạch này được vạch ra như một đối trọng với sức mạnh về kinh tế và quân sự mà Trung Quốc đang xây dựng, nhấn mạnh các quốc gia khác như Pháp và Anh cũng có thể đóng góp vào phương án này.

"Tôi thấy đề xuất này không chỉ rất tích cực cho Nhật mà còn cho cả Mỹ, Ấn Độ và Australia", Yoichi Shimada, giáo sư quan hệ quốc tế tại Đại học Fukui, Nhật Bản, nhận xét. "Khi nó được hoàn thiện, đó cũng là điều tốt đẹp cho tất cả các nước ở Đông Nam Á".

"Việc chúng ta có phương án thay thế ý tưởng của Trung Quốc là rất quan trọng, bởi nếu các nước chỉ tham gia Sáng kiến Vành đai và Con đường, Bắc Kinh có thể dễ dàng thay đổi kế hoạch để mang về nhiều lợi ích hơn cho họ", giáo sư Shimada nói với tờ DW của Đức.

Ông Shimada ví hành động này như "mang tất cả trứng để vào một giỏ", nhấn mạnh rằng Trung Quốc hiện nay quá mạnh nên không một quốc gia đơn lẻ nào có thể đối chọi lại. Chuyên gia này cho rằng việc "để trứng vào nhiều giỏ" sẽ giúp các quốc gia trong khu vực giảm bớt rủi ro về an ninh và thương mại.

ky-vong-ve-chuyen-cong-du-chau-a-dau-tien-cua-ong-trump-1

Thủ tướng Nhật Shinzo Abe (trái) bắt tay ông Trump trong chuyến thăm Mỹ hồi đầu năm. Ảnh:AP.

Garren Mulloy, chuyên gia quốc phòng tại Đại học Daito Bunka Nhật Bản, cho rằng chuyến công du châu Á của ông Trump là cơ hội rất lớn để thúc đẩy đề xuất này, khẳng định Australia và Ấn Độ sẽ rất hào hứng tham gia sáng kiến.

"Australia và Nhật từng rất thất vọng về Trump khi ông rút Mỹ khỏi TPP và họ đang tìm kiếm một ‘diễn đàn thứ ba’ để có thể hợp tác cùng nhau làm sống lại sáng kiến này", ông nói.

An ninh khu vực

Hầu hết các chuyên gia đều nhất trí rằng ưu tiên hàng đầu của ông Trump trong chuyến công du này là tìm phương án giải quyết cuộc khủng hoảng Triều Tiên. Trong chuyến đi tới Bắc Kinh lần nay, ông Trump nhiều khả năng sẽ gia tăng sức ép với Trung Quốc để thuyết phục nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un từ bỏ chương trình hạt nhân và tên lửa.

Trong chuyến công du này, các nhà ngoại giao hàng đầu của châu Á có thể sẽ tìm cách thuyết phục Tổng thống Mỹ theo đuổi chính sách ngoại giao với Triều Tiên và giảm bớt mức độ "khẩu chiến" với ông Kim Jong-un, theo Michael Fuchs, cựu phó trợ lý ngoại trưởng Mỹ đặc trách Đông Á và Thái Bình Dương.

Ông Trump thời gian qua liên tục đưa ra những lời đe dọa "hủy diệt hoàn toàn" Triều Tiên nếu cần thiết để bảo vệ Mỹ và đồng minh. Bình Nhưỡng cũng đáp trả bằng những lời lẽ cứng rắn không kém, làm dấy lên lo ngại về nguy cơ bùng nổ xung đột ở bán đảo Triều Tiên.

"Chiến tranh ở Triều Tiên sẽ là cơn ác mộng tồi tệ nhất của Mỹ và các nước trong khu vực", Fuchs nói.

Theo Andrew Oros, giám đốc cơ quan nghiên cứu quốc tế tại Đại học Washington, an ninh khu vực sẽ là chủ đề thảo luận hàng đầu khi Trump tới thăm Nhật Bản, nơi lãnh đạo hai nước tìm cách đề cao mối quan hệ đồng minh đối phó với mối đe dọa từ Triều Tiên cũng như những tuyên bố chủ quyền phi lý của Trung Quốc ở biển Hoa Đông và Biển Đông.

"Ông Trump và Thủ tướng Nhật Shinzo Abe có thể sẽ đề cập đến thương mại song phương, nhưng đó chỉ là một trong nhiều chủ đề họ nói tới. Nếu quá chú trọng vào vấn đề này, nó sẽ khiến Mỹ và Nhật bị xao nhãng khỏi những chủ đề cấp bách hơn, chẳng hạn như mối đe dọa từ Triều Tiên", ông Oros nói.

Mireya Solis, chuyên gia cấp cao tại Viện Brookings, nhận định ông Trump và ông Abe sẽ quyết tâm gây "sức ép tối đa" và duy trì các biện pháp cấm vận mạnh mẽ với Triều Tiên để buộc Bình Nhưỡng thay đổi cách hành xử và quay lại bàn đàm phán phi hạt nhân hóa.

Oros cũng kỳ vọng rằng Thủ tướng Nhật và Tổng thống Mỹ sẽ gia tăng kêu gọi Trung Quốc ngừng các hoạt động xâm phạm quyền quản lý nhóm đảo Senkaku trên biển Hoa Đông của Nhật Bản, cũng như lên án hành vi quân sự hóa các tiền đồn Bắc Kinh xây dựng phi pháp trên Biển Đông, nhấn mạnh những hành động đơn phương như vậy đi ngược lại luật pháp và thông lệ quốc tế.

Mối quan tâm tới Đông Nam Á

Abraham Denmark, chuyên gia tại Trung tâm Học giả Quốc tế Woodrow Wilson ở Washington, cho rằng trong chuyến công du châu Á 12 ngày, ông Trump sẽ có rất nhiều điều để thảo luận và nhiều nơi để đến, nhưng sự kiện ông quyết định không tham dự cũng là điều rất đáng quan tâm.

Khi tới Philiippines dự hội nghị đa phương ASEAN ở chặng cuối của chuyến công du, Tổng thống Mỹ nhiều khả năng sẽ không tham dự Hội nghị Cấp cao Đông Á, một diễn đàn khu vực thường niên tập trung vào Đông Nam Á.

Denmark cho rằng động thái này là một dấu hiệu chứng tỏ Đông Nam Á sẽ không phải là một ưu tiên của chính quyền Trump. "Khu vực này sẽ nhận ra rằng Trung Quốc đang ở đó, còn Mỹ thì không. Điều đó sẽ phát đi một thông điệp rất mạnh", ông nhận định.

ky-vong-ve-chuyen-cong-du-chau-a-dau-tien-cua-ong-trump-2

Ông Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bên lề hội nghị G-20 ở Đức. Ảnh:AFP.

Cựu tổng thống Obama từng quyết định không tham dự hội nghị này vào năm 2013 để giải quyết cuộc khủng hoảng ngân sách trong nước. Các nhà ngoại giao và lãnh đạo châu Á đã xì xào về sự vắng mặt này của Obama trong suốt nhiều năm sau đó, theo Harry Kazianis, chuyên gia về châu Á tại Trung tâm Lợi ích Quốc gia Mỹ.

"Vắng mặt tại một hội nghị không đồng nghĩa với việc Mỹ rời bỏ châu Á – Thái Bình Dương hay Trung Quốc đang vượt mặt Mỹ. Nhưng đó là một sự kiện rất lớn và không dễ bị lãng quên", Kazianis nói.

"Điều mà các đối tác của Mỹ ở châu Á mong đợi không phải là chính sách của Obama có được tiếp tục hay không", Denmark nhận định. "Họ đang đợi xem chính sách của Trump, chính sách của Mỹ hiện nay sẽ như thế nào trong chuyến công du".

 

Theo VnExpress.net