|
|
Một sĩ quan Mỹ trên vai mang bao cát củng cố bên ngoài Đại sứ quán Mỹ tại Baghdad ngày 11/1. Ảnh AP. |
Thủ tướng Iraq Adel Abdul-Mahdi ngày 10/1 cho biết trong một cuộc điện đàm, ông đã yêu cầu Ngoại trưởng Mike Pompeo “gửi một phái đoàn tới Iraq để thực hiện quyết định của Quốc hội Iraq về việc rút quân khỏi nước này một cách an toàn”.
Về lý do, ông Adel Abdul-Mahdi cho biết “Iraq muốn giữ quan hệ với các nước láng giềng và những nước trong cộng đồng quốc tế, và để bảo vệ các đại diện và lợi ích nước ngoài và những người có mặt trên lãnh thổ Iraq”.
Thủ tướng Iraq cho biết quân Mỹ đã tự do di chuyển và vận hành máy bay không người lái mà không được phép, hành động này trái với một thỏa thuận giữa hai nước.
Tuy nhiên, cũng trong ngày 10/1, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho biết quân đội Mỹ vẫn sẽ tiếp tục ở lại Iraq, nhấn mạnh rằng Mỹ vẫn sẽ tiếp tục sứ mệnh giúp huấn luyện lực lượng an ninh của nước này và chống lại IS.
“Sứ mệnh của chúng tôi tại đây rất rõ ràng. Chúng tôi ở đây để thực hiện sứ mệnh huấn luyện giúp lực lượng an ninh của Iraq trở nên thành công và tiếp tục chiến dịch chống IS”, ông Pompeo cho biết.
Mỹ cho biết sẽ điều thêm 3.000 quân đến Trung Đông, sau vụ hàng ngàn người biểu tình tại Đại sứ quán Mỹ tại Baghdad và xông vào cổng tiếp tân.
Sự hiện diện của quân đội Mỹ tại Iraq, sau cuộc đổ bộ năm 2003 do Mỹ dẫn đầu, đã trở thành chủ đề tranh luận trong những ngày gần đây.
Tuần trước, một lá thư bị rò rỉ được cho là từ chỉ huy cấp cao của Mỹ và lực lượng đồng minh ở Iraq, trong đó nhấn mạnh với Bộ Quốc phòng Iraq rằng sẽ “tái định vị các lực lượng trong những ngày và tuần sắp tới để chuẩn bị cho bước tiếp theo”.
Tuy nhiên, người đứng đầu Lầu Năm Góc đã ngay lập tức khẳng định rằng Mỹ không có ý định rời khỏi Iraq.
Việc rút 6.000 quân Mỹ khỏi Iraq có thể ảnh hưởng lớn đến chiến dịch Operation Inherent Resolve, một liên minh đa quốc gia chống lại IS. Liên minh này đã giảm các hoạt động chống IS và các tổ chức khủng bố khác sau vụ ám sát Soleimani để tập trung bảo vệ các căn cứ Mỹ.
Chính giới và các chuyên gia trong khu vực cảnh báo rằng việc Mỹ rút lui khỏi cuộc chiến chống IS có thể mang lại động lực cho các phần tử cực đoan và là cơ hội để Nga tăng cường ảnh hưởng ở Iraq.