Ngày 2/8, giờ địa phương, chiến hạm Bavaria, một trong 4 khinh hạm lớp Brandenburg của Đức đã rời cảng quân sự Wilhelmshaven hướng tới châu Á. Bavaria mang theo 46 ngư lôi chống ngầm, cũng như tên lửa chống hạm và vũ khí phòng không với 243 thuỷ thủ, sẽ làm nhiệm vụ kéo dài khoảng 6 tháng trong một sứ mệnh mở rộng hợp tác an ninh với khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Sau các chặng qua Địa Trung Hải, vùng Sừng Châu Phi, Bavaria sẽ đến Nhật Bản vào đầu tháng 11, tiếp theo là một số nước Đông Nam Á, Hàn Quốc, Úc,... Trong số các hoạt động tương tác, khinh hạm Bavaria sẽ thực hiện các cuộc diễn tập hải quân với một số nước đối tác.

leftcenterrightdel
Khinh hạm lớp  Bavaria tại cảng quân sự Wilhelmshaven ngày 2/8 trước khi khởi hành tới châu Á. Ảnh: Ảnh: Bundeswehr/auswaertiges-amt.de 

“Chúng tôi mong muốn đảm nhận trách nhiệm và đóng góp vào quá trình định hình và duy trì trật tự quốc tế dựa trên luật pháp quốc tế ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương; đồng thời mở rộng quan hệ đối tác và cam kết của chúng tôi trong khu vực thông qua quan hệ đối tác chiến lược của EU với ASEAN hoặc tham vấn an ninh với Nhật Bản và Úc. Cùng với các đối tác của mình, chúng tôi ủng hộ việc tuân thủ luật pháp quốc tế và tăng cường an ninh ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.” Ngoại trưởng Đức Heiko Maas nhấn mạnh trong lễ tiễn tàu Bavaria.

leftcenterrightdel
Khinh hạm lớp Brandenburg Bavaria của Hải quân Đức. Ảnh: Reuters. 

Theo Bộ Ngoại giao Đức, các cuộc khủng hoảng và xung đột tại Châu Á cũng sẽ ảnh hưởng tới Đức và châu Âu, trong đó hơn một nửa hàng hoá xuất khẩu của Đức được vận chuyển qua đường biển. Chính vì vậy, Đức mong muốn đóng góp vào việc tăng cường an ninh và ổn định tại châu Á.

Tuyên bố của hải quân Đức về sứ mệnh như một “chuyến hiện diện và huấn luyện thông thường”; lưu ý, khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương là “ khu vực chiến lược quan trọng nhất trên trái đất” , nơi “đưa ra các quyết định quan trọng về tự do, hòa bình và thịnh vượng”.

leftcenterrightdel
Khinh hạm Hamburg của Hải quân Đức. Ảnh: DPA. 

Đức thường xuyên nhấn mạnh tầm quan trọng của Công ước UNCLOS về Luật Biển như một khuôn khổ pháp lí toàn diện và áp dụng trên toàn cầu, trên hết là quyền tự do hàng hải được quy định trong UNCLOS ở các vùng biển quốc tế, nhưng cũng là các cơ chế giải quyết tranh chấp bắt buộc.

Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương ngày càng trở thành một trung tâm kinh tế và chính trị. Vào tháng 9/2020, Chính phủ Đức đã thông qua “Hướng dẫn Ấn Độ - Thái Bình Dương” nhằm tăng cường sự hiện diện của Đức trong khu vực. Các trụ cột trung tâm của chiến lược này là đa dạng hóa quan hệ đối tác kinh tế và tăng cường luật pháp quốc tế, hợp tác đa phương và hợp tác an ninh với khu vực. 

Huy Anh/faz, auswaertiges-amt, rt.