Trong đợt dịch bùng phát lần thứ hai của nước này, nhiều thi thể trôi nổi trên con sông dài nhất và lớn nhất của Ấn Độ. Con sông chảy qua một số khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất của COVID-19 và hầu hết các lò thiêu của người Hindu đều gần vùng sông.

Giờ đây, các chuyên gia lo ngại việc hỏa táng các thi thể bị nhiễm COVID-19 gần khu vực sông Hằng có tác động rất tiêu cực đối với các loài động vật có nguy cơ tuyệt chủng và các cộng đồng dân cư sống gần đó.

Ramesh Kumar Singh, một nhà hoạt động đến từ thành phố Varanasi ở miền bắc Ấn Độ, người cũng sống bên sông Hằng, cho biết anh chưa từng thấy điều gì như thế này trước đây, có rất nhiều thi thể ở bên sông, một số thiêu rụi thành than, số khác cháy được một phần rồi người dân thả xuống sông.

Đối với đa số người theo đạo Hindu ở Ấn Độ, nghi lễ chôn cất thường bao gồm hỏa táng ngoài trời trên gỗ đang cháy. Nhưng khi các lò hỏa táng quá tải trở thành biểu tượng cho cuộc khủng hoảng COVID-19 của Ấn Độ thì giá dịch vụ hỏa táng đã tăng vọt. Do đó không phải ai cũng có thể mua được gỗ để thiêu, vì vậy mà nhiều người tuyệt vọng đã bắt đầu thả xác xuống sông.

leftcenterrightdel
Các giàn hỏa táng được thắp sáng bên sông Hằng ở Allahabad, nơi các thi thể trôi xuống hạ lưu trong nhiều ngày. Ảnh: GETTY. 

Sông Hằng là một trong những con sông ô nhiễm nhất thế giới nhưng nó cũng là con sông thiêng liêng nhất của Ấn Độ. Việc dọn dẹp dòng sông này là một trong những dự án xa hoa bậc nhất được tài trợ bởi chính phủ Narendra Modi và cho đến nay đã tiêu tốn ít nhất 28.966 INR (tương đương khoảng 3,9 tỉ USD).

Tuần trước, Nhiệm vụ Quốc gia về Làm sạch sông Hằng đã gọi các thi thể trên sông là "vi phạm nghiêm trọng của quy trình an toàn COVID-19", đồng thời đưa ra lời cảnh báo cho các cộng đồng sống quanh sông.

Việc thiêu xác gần sông hoặc thả xác trực tiếp trôi sông khiến các loài sinh vật dưới nước đang bị đe dọa, đặc biệt là hai loài cá heo và cá sấu (có tên là gharial) đang trên đà tuyệt chủng.

Theo Tiến sĩ K.Sivakumar, một nhà khoa học tại Viện Động vật Hoang dã Ấn Độ cho biết: “Một mối lo lớn hiện nay là những thi thể này sẽ ảnh hưởng như thế nào đến đa dạng sinh học trong và xung quanh sông Hằng. Nếu những loài động vật quan trọng này biến mất khỏi hồ sơ đa dạng sinh học thì toàn bộ hệ thống sẽ sụp đổ."

Ông cảnh báo rằng cả cá heo và cá voi đều thở bằng phổi, không giống như cá thở bằng mang: “COVID-19 được biết là truyền qua các giọt nhỏ trong không khí. Giả sử rằng các giọt nước tồn tại trong nước, nó có thể ảnh hưởng đến sinh vật biển thở bằng phổi. "

Giáo sư Vinod Tare, người đứng đầu tổ chức tư vấn Trung tâm Nghiên cứu và Quản lý lưu vực sông Hằng cũng đồng tình rằng: “Thả trôi thi thể trên sông không phải là một phương pháp hay và Chính phủ đang có những hành động nghiêm túc để xử lý tình trạng này ”.

Tính đến thời điểm hiện tại đợt đại dịch COVID thứ hai đã tàn phá Ấn Độ với hơn 25 triệu ca nhiễm và 275.000 tử vong, nhưng các chuyên gia nói số người chết thực sự còn cao hơn gấp nhiều lần.

Vũ Thủy