* Máy bay ném bom khổng lồ, tên lửa siêu khủng
Đầu tiên phải kể đến pháo đài bay B-52 nổi tiếng. Giới chức quốc phòng Mỹ ngày 7-1 cho biết 6 máy bay ném bom khổng lồ này sẽ được huy động đến căn cứ Không quân ở Diego Garcia ở Ấn Độ Dương.
Mỹ hiện có khoảng 75 chiếc B-52 đang hoạt động và dự bị. B-52 có thể tải theo 35 tấn vật liệu gồm bom, mìn và cả tên lửa. Loại máy bay này lần đầu tiên được sử dụng năm 1952, sau đó được nâng cấp và cải tiến dần. Hiện nay nó có thể mang tên lửa hành trình phóng từ trên không. Mỗi chiếc B-52 có thể mang theo 20 tên lửa hành trình.
Sau khi được thả từ máy bay, các tên lửa hành trình sử dụng thiết bị định hướng được cài sẵn và động cơ phản lực riêng để bay tới và tấn công các mục tiêu độc lập với đầu đạn nặng hơn 1,3 tấn.
Máy bay ném bom tàng hình B-2
Máy bay ném bom “cánh dơi” hạng nặng này có thể mang cả vũ khí hạt nhân. Hạm đội 20 của Không quân Mỹ vận hành từ Căn cứ Không quân Whiteman ở Missouri, nhưng họ có thể vươn đến các căn cứ như Diego Garcia, hoặc đảo Guam ở Thái Bình Dương. Trong một cuộc đối đầu thông thường, loại máy bay 4 động cơ này có thể mang theo bom phá bunker thông minh hạng nặng GBU-57, loại bom phi hạt nhân lớn nhất trong kho vũ khí của Mỹ.
Những quả bom nặng 13 tấn và dài 9 mét này được thiết kế để tiêu diệt những mục tiêu nằm sâu dưới lòng đất, kể cả các tổ hợp tên lửa và chỉ huy nằm ngoài tầm của các loại vũ khí phi hạt nhân khác.
B-2 cũng có thể mang theo một loạt các vũ khí khác và đã được thử nghiệm trong các cuộc xung đột ở Syria, Iraq và Afghanistan.
Người anh em của B-2, máy bay ném bom B-1 có 4 động cơ. Hiện quân đội Mỹ có hơn 60 chiếc B-1. Loại máy bay này có thể tải đến hơn 34 tấn, bao gồm tên lửa hành trình, bom trọng lực và cả bom hải quân.
Trong quá khứ, B-1 từng được sử dụng trong các nhiệm vụ thả bom tấn công trực tiếp, chủ yếu là bom rơi tự do với hệ thống dẫn đường được gắn vào đuôi.
Máy bay chiến đấu tàng hình F-22: Hiện Mỹ có khoảng 180 chiếc F-22 trong kho khí tài của mình, loại máy bay được coi là có khả năng chiến đấu mạnh mẽ nhất. Ngoài khả năng tiếp cận và chiến đấu tốt nhất với các loại máy bay chiến đấu đối thủ nào, F-22 còn có thể mang theo Bom tấn công trực diện phối hợp và tên lửa không đối đất có radar dẫn đường.
Trước đây, F-22, với khả năng không bị radar phát hiện, có thể sẽ nhắm vào các mục tiêu phòng không, mở đường cho các máy bay chiến đấu “ít tàng hình” hơn và cả tên lửa hành trình.
Tên lửa dẫn đường và tàu ngầm tấn công
Hải quân Mỹ có hàng chục tàu ngầm hoạt động lâu dài dưới nước và có thể phóng hàng trăm tên lửa hành trình Tomahawk vào các mục tiêu cả trên cạn lẫn dưới biển. Có thể kể đến tàu ngầm loại Ohio có tên lửa dẫn đường, có thể mang theo đến hơn 150 tên lửa Tomahawk.
Mỗi tên lửa như vậy có trang bị đầu đạn nặng đến 453 kg, có thể tấn công các mục tiêu độc lập xa đến hơn 1.600 km từ điểm phóng.
Ngoài ra, mỗi tên lửa có thể chứa thông tin của 15 mục tiêu trong hệ thống dẫn đường, điều này có nghĩa là chúng có thể chuyển đổi mục tiêu khi đang bay.
Tàu sân bay
Hiện có 11 tàu sân bay trong Hạm đội Hải quân Mỹ, trong đó có 10 chiếc thuộc lớp Nimitz, 1 chiếc lớp Ford. Số lượng là vậy nhưng chỉ có tầm 3 hoặc 4 chiếc trong số này có khả năng ứng chiến bất kỳ lúc nào.
Nhìn chung, mỗi tàu sân bay này có thể chứa đến 60 máy bay các loại, từ máy bay chiến đấu F/A-18 (có phạm vi chiến đấu lên đến 2.300 km và mang theo 2 tên lửa không đối đất).
Ngoài các tàu sân bay, Hải quân vận hành 9 tàu tấn công đổ bộ, thực chất là tàu sân bay nhỏ. Những tàu này mang theo máy bay chiến đấu đời mới nhất của Mỹ, như F-35B, loại máy bay có thể mang theo 2 quả bom dẫn đường với phạm vi chiến đấu lên đến 800 km.