Ngày 21/1, Hãng thông tấn Sputnik của Nga trích tin tức truyền thông Mỹ, cho biết, chuyên gia quân sự Mỹ nghi ngờ về tính hiện thực của ngư lôi hạt nhân tự hành Poseidon được mệnh danh vũ khí “Ngày tận thế”,  thường được gọi là tàu ngầm mini không người lái.

Trước đó, tạp chí Mỹ Forbes dẫn lời Kingston Reif, một chuyên gia hạt nhân của Hiệp hội Kiểm soát Vũ khí Hoa Kỳ, nói, Poseidon là "kỳ cục".

Theo Forbes, sau khi có các thông tin đầu tiên từ Nga về Poseidon, các chuyên gia Mỹ đã suy đoán, Poseidon có thể là một sản phẩm hư cấu. Bài báo dẫn lời chuyên gia Reif, nói, xét cho cùng, toàn bộ khái niệm về một robot khổng lồ dưới biển chiếu xạ toàn bộ thành phố của đối phương là "kỳ cục và nói một cách khách quan là không cần thiết".  

leftcenterrightdel
Ngư lôi tự hành Poseidon của Nga. Nguồn: Bộ Quốc phòng Nga. 

Mục tiêu của Poseidon là các thành phố ven biển của Hoa Kỳ. Sau khi phóng từ tàu ngầm, với tốc độ được báo cáo từ 60- 100 hải lý/giờ, Poseidon sẽ mất khoảng hai ngày để đến được mục tiêu. Sự di chuyển chậm chạp khiến vũ khí dễ bị tổn thương trong khi Mỹ có hàng nghìn tên lửa đầu đạn hạt nhân nhanh nhẹn và hoạt động hoàn hảo. “Tốc độ và thời gian di chuyển của vũ khí như vậy khiến nó có khả năng bị phát hiện. Giả sử Poseidon đã thực sự được đưa vào thử nghiệm (điều tôi nghi ngờ), thì giá trị của một loại vũ khí mất nhiều thời gian như vậy để đến được mục tiêu là gì? ”, chuyên gia Reif lập luận.

Theo Owen Cote, một chuyên gia về chiến tranh dưới nước tại Viện Công nghệ Massachusetts, logic của Poseidon có thể mang bản chất chính trị của Nga nhằm tạo ra ảo tưởng về một điều gì đó mới mẻ và có ý nghĩa để duy trì hình ảnh của một siêu cường hạt nhân.

Chuyên gia quân sự Pavel Luzin cho rằng, Poseidon không phải là một vũ khí, nó là một thiết bị nghiên cứu đáy biển của lực lượng dưới nước Nga. 

Huy Anh