Các nhà báo Hoa Kỳ từ CNN tuyên bố, Nga đã bãi bỏ chế độ "tạm dừng" đối với tên lửa hành trình hạt nhân 9M730 Burevestnik (Petrel, tên báo cáo của NATO: SSC-X-9 Skyfall – ed) và đang chuẩn bị tái thử nghiệm gần Vòng Bắc Cực, theo BM.
Tuyên bố được hỗ trợ bởi các hình ảnh vệ tinh được chụp vào tháng 9, cho thấy sự di chuyển nhộn nhịp bất thường của một số lượng lớn các container, cũng như một tòa nhà mới được xây dựng trong một khu vực vốn bị "đóng băng" vào năm 2018.
Báo cáo của các nhà nghiên cứu thuộc Viện Nghiên cứu quốc tế Middlebury tại Monterey (California, Mỹ), nói, Nga đã tiếp tục làm việc với một trong những vũ khí nguy hiểm nhất thế giới.
Trong những tháng gần đây, quân đội Mỹ cũng như các nhà phân tích quốc phòng và an ninh đã liên tục cảnh báo Nga tiếp tục thử nghiệm các loại vũ khí mới, bao gồm tên lửa siêu thanh và tên lửa chạy bằng năng lượng hạt nhân.
|
|
Mô hình tên lửa Burevestnik. Nguồn: Stalkerzone. |
Hành động khởi động lại dự án của Nga được nói liên quan đến gia hạn Hiệp ước về cắt giảm và hạn chế vũ khí tấn công chiến lược (START-3) được Mỹ và Nga kí đầu tháng 5/2011, có thể trở thành “chất xúc tác” để thay đổi quan điểm của Washington đối với Hiệp ước này.
Trước thiện chí và hối thúc từ Nga về gia hạn hiệp ước START-3, gần đây, đặc phái viên Tổng thống Mỹ về kiểm soát vũ khí Marshall Billingslea đưa ra điều kiện Mỹ và Nga cùng “đóng băng” các kho vũ khí hạt nhân. Ông Billingslea lưu ý, thỏa thuận nên bao gồm cả việc đóng băng các phương tiện mang phóng chiến thuật, bởi Washington cho rằng, loại phương tiện này chiếm hơn một nửa kho vũ khí hạt nhân tiềm năng của Nga.
Đáp lại, Bộ Ngoại giao Nga tuyên bố, điều kiện đó là không thể chấp nhận được, không phải Nga phản đối việc đóng băng, mà bởi các vấn đề ổn định chiến lược cần phải giải quyết một cách tổng thể.
Trước tình thế giằng co trong bối cảnh hiệp ước START-3 sẽ hết hiệu lực vào đầu tháng 2/2021, ngày 16/10, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đề xuất gia hạn thêm một năm Hiệp ước START-3 mà không kèm theo bất kì điều kiện nào.
|
|
Tên lửa Burevestnik tại cơ sở sản xuất. Ảnh: Anna Liesowska/Dailymail. |
Ngày 21/10, theo Sputnik, Bộ Ngoại giao Nga đã sẵn sàng cùng với Hoa Kỳ thực hiện cam kết chính trị “đóng băng” số lượng đầu đạn hạt nhân mà các bên sở hữu trong thời gian này. Đề xuất nhấn mạnh rằng nếu hai bên đạt được quyết định về việc "đóng băng" tương hỗ như vậy, thì không nên kèm theo bất kỳ yêu cầu bổ sung nào từ phía Hoa Kỳ.
Theo một số nguồn mở, tên lửa hành trình hạt nhân 9M730 Burevestnik, biệt danh “Petrel- Bão táp” là một trong sáu loại vũ khí chiến lược mới của Nga được Tổng thống Nga Putin công bố vào ngày 1/3/2018, mô tả là vũ khí “Ngày tận thế’ và thử nghiệm thành công tháng 1/2019.
Petrel được cho là có tầm bắn không giới hạn và khả năng né tránh hệ thống phòng thủ tên lửa. Nó có kích thước và khối lượng lớn hơn tên lửa hành trình X-101, dài 12m khi phóng và 9m khi bay. Tên lửa có phát thải khí thải phóng xạ trong toàn bộ hoạt động
Mỹ gọi ý tưởng của Nga về việc tích hợp một "lò phản ứng hạt nhân bay” không được bảo vệ vào một tên lửa để cung cấp lực đẩy là "điên rồ" và cần phải loại bỏ. Mỹ cũng nhắc một tai nạn năm 2019 tại căn cứ quân sự ở Nyonoksa ở vùng Tây Bắc Arkhangelsk, khiến nhiều chuyên gia hạt nhân thiệt mạng và bị thương, cho rằng là hậu quả việc Nga thử nghiệm thất bại một tên lửa hành trình hạt nhân Petrel.