Khiếm khuyết… “chết người”!
Máy bay F-35B, cất hạ cánh thẳng đứng và F-35C, phiên bản cho tàu sân bay không thể bay ổn định ở chế độ siêu thanh, một thực tế được phát hiện vào năm ngoái.
Các chuyên gia dự đoán, sự quá tải của cấu trúc phát sinh khi tăng tốc vượt ra ngoài phạm vi cho phép, có thể phá hủy vỏ ngoài và các bộ phận khác của khung máy bay.
Đây là khiếm khuyết cực kỳ nghiêm trọng, đòi hỏi các khoản đầu tư tài chính lớn trong việc phát triển và thử nghiệm vật liệu ốp bên ngoài mới, và có thể cả toàn bộ khung sườn máy bay, trong hoàn cảnh máy bay đã đi vào sản xuất hàng loạt.
Trước tình huống này, quân đội Mỹ đã thay đổi chiến thuật sử dụng F-35, bằng cách giới hạn thời gian bay ở tốc độ cao đến mức tối thiểu. Điều này dẫn đến, khả năng đánh chặn siêu âm các mục tiêu trên không- một trong những ưu thế chính của chiếc máy bay hiện đại nhất của Mỹ bị mất đi.
Lầu Năm Góc cho rằng, chế độ bay "siêu âm" không quá quan trọng với F-35. Brian Clark, cựu phi công, nhà phân tích từ Viện nghiên cứu chiến lược Hudson tin rằng, việc giới hạn thời gian bay ở tốc độ cao, ngược lại, sẽ trở thành một lợi thế chiến thuật với lập luận, khi bay quá nhanh máy bay mất đi khả năng tàng hình (!).
Hơn nữa, khi giảm tốc độ, F-35 giữ được khả năng tiêu diệt đối thủ trước khi bị phát hiện. Ngoài ra, trong điều kiện giới hạn tốc độ, phạm vi bay sẽ tăng đáng kể nhờ nhiên liệu tiêu thụ tiết kiệm hơn (!).
Trong khi đó, các chuyên gia vũ khí từ tạp chí công nghệ quốc phòng Defense News, tin rằng, sự hạn chế tốc độ gây ra mối nguy hiểm chết người cho các phi công F-35 trong tình huống giáp lá cà.
|
|
F-35, chiến đấu cơ thế hệ thứ năm của Mỹ. Nguồn: Sputnik. |
Đối với F-35C vấn đề khó khăn hơn do sau khi bay siêu âm, máy bay sẽ không thể sửa chữa ngay hư hỏng của khung sườn trong điều kiện hoạt động trên tàu sân bay; và, sẽ buộc phải “đắp chiếu” trong hầm chứa cho đến khi tàu sân bay trở về căn cứ.
Và như vậy, hiệu quả chiến đấu của nhóm tấn công tàu sân bay đã bị giới hạn.
Mất ưu thế chính
Khả năng duy trì chuyến bay ổn định ở tốc độ siêu âm là một trong những yêu cầu quan trọng nhất của máy bay chiến đấu hiện đại, theo chuyên gia Nga.
Nếu thiếu đi, có nghĩa chiến đấu cơ không thể đánh chặn hiệu quả các mục tiêu trên không. Ngoài ra, bay siêu âm cho phép phi công nhanh chóng vượt ra ngoài phạm vi hoạt động của phòng không đối phương, phi công quân sự danh dự của Nga Vladimir Popov nói với Sputnik.
"Nếu trong trận không chiến, toàn bộ cơ số đạn dược được sử dụng hết, giá trị của máy bay như một phương tiện chiến đấu chỉ là con số không. Khi đó, nhiệm vụ chính của phi công là nhanh chóng rời khỏi hiện trường, thoát khỏi sự truy đuổi của đối phương. Nếu bay chế độ siêu âm, việc đó sẽ dễ dàng hơn nhiều".
Chuyên gia Nga giả thiết, Mỹ đã mắc sai lầm lớn về thiết kế F-35, khi tập trung làm cho máy bay đơn giản, hiệu quả hơn so với F-22 Raptor phức tạp và nặng nề.
Vì lợi ích của tàng hình và giảm trọng lượng, các nhà thiết kế đã hy sinh sức mạnh. Có thể thời gian kiểm tra “khả năng bền vững” bị rút ngắn, do đó không phát hiện ra các khiếm khuyết tiềm ẩn.
Chỉ là… hàng thô!
Với khiếm khuyết được đánh giá đặc biệt nghiêm trọng, các chuyên gia Nga cho rằng, chiến đấu cơ F-35 thực tế còn ở mức “thô”, chưa hoàn thiện. Mặc dù vậy nó đã được đưa vào sản xuất hàng loạt.
Vladimir Popov cho rằng, ý tưởng Mỹ về tổ hợp hàng không chiến đấu thế hệ thứ 5 đã đưa lên hàng đầu khả năng "tàng hình", phạm vi hoạt động rộng về độ cao và tốc độ, khả năng bay siêu thanh mà không cần sử dụng đốt sau vô hình chung dẫn đến việc sử dụng vũ khí và khả năng cơ động xuống hàng thứ yếu. Trái lại, với Nga, hỏa lực và khả năng cơ động được ưu tiên, trong khi tàng hình chỉ là thứ yếu.
|
|
Mặc dù được tuyên bố F-35 đã được khắc phục nhiều hạn chế quan trọng, nhưng chuyên gia chỉ ra chiến đấu cơ này còn những khiếm khuyết nghiêm trọng. Nguồn: usembassy. |
Mặc dù F-35 có nhiều thiếu sót, Mỹ đang tích cực chuyển giao máy bay cho các đồng minh của họ.
“Người Mỹ đảm bảo F-35 là máy bay hiện đại nhất, định vị đó là “thế hệ thứ 5” đầy tự tin. - giáo sư Học viện Khoa học Quân sự, nhà chính trị học Sergei Sudakov nói với Sputnik- Trên thực tế, đây là một cỗ máy cực kỳ thô sơ, không hoàn chỉnh, không có gì để nói trong trường hợp này về bước đột phá trong ngành hàng không quân sự”.
Theo Sudakov, thực tế đã xua tan một “huyền thoại” khác, rằng F-35 là "sát thủ" của hệ thống phòng không S-400 Triumph của Nga. Tuy nhiên, để có thể thoát khỏi tên lửa của S-400, vốn có thể phát hiện mục tiêu từ khoảng cách 600 km, cao 40-50 km và có thể đánh chặn mục tiêu bay nhanh hơn 4,8 km/s, F-35 chắc chắn cần đến tốc độ siêu thanh đáng tin cậy.
Phát triển chiến đấu cơ F-35 được xem là một trong những dự án đắt giá nhất trong lịch sử chế tạo máy bay, tiêu tốn khoảng 1,3 nghìn tỷ đô la.