leftcenterrightdel
 Các chuyên gia Nhật Bản tham dự buổi họp hợp tác cùng chính quyền thành phố Bursa nhằm đánh giá nguy cơ địa chấn. (Ảnh: IHA Photo)

Thành phố Bursa, hiện đang nằm trong khu vực cảnh báo động đất cấp độ một, đã thành lập một đơn vị nghiên cứu mặt đất, bên cạnh đó cũng xúc tiến thực hiện các Dự án Đánh giá Nguy cơ Địa chấn trong khu vực bằng cách ký một nghị định với Hội đồng Nghiên cứu Khoa học và Công nghệ của Thổ Nhĩ Kỳ (TÜBİTAK) và Trung tâm Nghiên cứu Marmara. Cùng với đó, một nhóm gồm 12 chuyên gia đến từ Nhật Bản và chính quyền khu tây bắc sẽ cùng bắt tay làm việc trong 42 tháng với mục đích tăng khả năng chống chịu thiên tai cho thành phố Bursa.

Ngoài ra, các đội cũng sẽ xác định cường độ động đất tối đa có thể xảy ra bằng cách theo dõi dữ liệu của 15 trạm giám sát 9 đường đứt gãy. Các bản đồ cũng đã được chuẩn bị dựa trên các nghiên cứu về địa vật lý được thực hiện trong khuôn khổ dự án, bao gồm bản đồ độ sâu nền đá 3D, bản đồ địa chất với tỉ lệ 1/100.000 và 1/25.000 và bản đồ rủi ro địa chấn. Kết quả đánh giá nguy cơ và rủi ro sẽ được công bố sau 18 tháng kể từ khi dự án bắt đầu và kế hoạch phục hồi đô thị sẽ được công bố khi kết thúc dự án.

Từ các kết quả thu thập được thông qua dự án, các khu vực có nguy cơ thiệt hại cao trong một trận động đất sẽ có thể được xác định. Ngoài việc phát triển các dự án mới để giảm thiệt hại do động đất, các biện pháp được thực hiện trong ngắn hạn, trung hạn và dài hạn cũng sẽ được ấn định.

Tổng thư ký thành phố Ulaş Akhan đã tham dự cuộc họp đầu tiên với Phó tổng thư ký Gülten Kapıcıoğlu và người đứng đầu Cục quản lý rủi ro động đất và cải thiện đô thị İbrahim Eken để trao đổi về công việc và thảo luận việc thực hiện kế hoạch.

leftcenterrightdel
Tàn dư đổ nát của một nhà thờ sau trận động đất ngày 6/2 vừa qua tại Antakya, Hatay, Thổ Nhĩ Kỳ. (Ảnh: AA Photo)

Shinichi Fukasawa, trưởng đoàn chuyên gia JICA tuyên bố rằng họ sẽ xác định nguy cơ động đất ở Bursa, trao đổi về các kế hoạch quy hoạch đô thị và thảo luận về cách thức phát triển dự án. Mục tiêu chính là xác định những biện pháp phòng ngừa trước khi thảm họa xảy ra chứ không phải các biện pháp khắc phục sau đó.

“Nhật Bản là quốc gia đã phải chịu ảnh hưởng nặng nề của các cơn động đất và bản thân Thổ Nhĩ Kỳ cũng nằm trong khu vực cảnh báo động đất cao. Việc chia sẻ kinh nghiệm giữa hai nước có thể là một bước tiến hiệu quả với một kế hoạch rõ ràng hơn để giúp đỡ các quốc gia tránh khỏi sự tàn phá khủng khiếp như hậu quả của trận động đất ngày 6/2 vừa qua.”

Minh Anh/Theo Daily Sabah