leftcenterrightdel
 Nhà máy sản xuất máy bay Boeing tại Renton ngày 27/3. Ảnh: Flight Global

Theo Flight Global, quan chức Boeing ngày 27/3 cho biết công ty đã cập nhật phần mềm và thử nghiệm bay. Công ty đang gấp rút hoàn thành để được giới chức liên bang thông qua các thay đổi. Tuy nhiên, Boeing từ chối đưa ra thời điểm cụ thể khi nào hệ thống cập nhật mới được chứng thực. Điều này đồng nghĩa với việc lệnh cấm bay không rõ khi nào được dỡ bỏ.

Trong một tuyên bố, Boeing cho biết hệ thống MCAS được nâng cấp “đã trải qua hàng trăm giờ đồng hồ phân tích, thử nghiệm, kiểm nghiệm trong buồng lái mô phỏng và thực hiện hai chuyến bay thử, trong đó một chuyến bay có sự hiện diện của các đại diện thuộc Cơ quan Hàng không Liên bang (FAA)”.

“Sự kết hợp của những thay đổi này sẽ loại trừ khả năng dữ liệu lỗi kích hoạt hệ thống MCAS”, một quan chức Boeing từ chối tiết lộ danh tính lý giải.

Trong lần cập nhật này, phần mềm MCAS có 3 thay đổi đáng kể.

Đầu tiên, hệ thống MCAS mới sẽ hoạt động dựa trên dữ liệu gửi từ hai máy cảm biến đặt ở góc tấn (góc giữa hướng của vec-tơ vận tốc dòng khí và trục hướng dọc đặc trưng trên vật thể). Hệ thống này sẽ nhận dữ liệu từ cả hai máy cảm biến cùng một lúc và so sánh dữ liệu cả hai bên. “Nếu dữ liệu nhận chênh quá 5,5 độ, hệ thống MCAS tự động bị chặn”, quan chức  Boeing cho biết. Đây là một cải tiến mới, khi so với trước đây, hệ thống này chỉ dựa vào dữ liệu của duy nhất một máy cảm biến góc tấn, mặc dù có hai máy cảm biến được lắp đặt.

Thứ hai, việc nâng cấp phần mềm cho phép MCAS kích hoạt trạng thái chúc mũi máy bay chỉ một lần một khi nhận được dữ liệu từ máy cảm biến góc tấn cao bất thường. Sau đó, hệ thống này sẽ tự khởi động lại và kích hoạt trạng thái chúc mũi máy bay trong trường hợp nhận cảnh báo khác về góc tấn cao.

Thứ ba, công ty cập nhật phần mềm MCAS cho phép phi công có thể vô hiệu hóa hệ thống và giành lại quyền kiểm soát, trong trường hợp phi công đánh giá máy bay vẫn có thể bay cao lên được.

Bên cạnh đó, Boeing cũng cập nhật những thay đổi trong chương trình huấn luyện trên máy tính cho phi công chuyển lái từ dòng 737 NG sang 737 Max.

Trước đó, hệ thống chống thất tốc (MCAS) được cho là nguyên nhân dẫn tới ít nhất một trong hai vụ tai nạn hàng không gần đây liên quan tới Boeing 737 Max 8. Cả hai vụ tai nạn của hãng hàng không Lion Air (Indonesia) và Ethiopian Airlines đều xuất hiện nhiều điểm tương đồng trong khi xảy ra sự cố, dấy lên lo ngại về mức độ an toàn của 737 Max. Sau khi xảy ra 2 thảm kịch khiến tổng cộng 346 người thiệt mạng, các quốc gia trên toàn thế giới ra lệnh cấm bay đối với mẫu máy bay mới này.

​Theo Báo Tin tức