Trong một tuyên bố hôm 21/2, Bộ Quốc phòng Anh cho biết, đã có bất thường xảy ra trong cuộc thử nghiệm mới nhất đối với tên lửa có khả năng mang đầu đạn hạt nhân Trident.

“Vì vấn đề an ninh quốc gia, chúng tôi không thể cung cấp thêm thông tin về vấn đề này, tuy nhiên chúng tôi tin rằng, sự bất thường này là một tình huống cụ thể và do đó không có liên quan gì đối với độ tin cậy của hệ thống tên lửa Trident. Răn đe hạt nhân của Vương quốc Anh vẫn an toàn, bảo đảm và hiệu quả.”, một phát ngôn viên của Bộ Quốc phòng Anh nói với báo chí.

Vụ phóng được thực hiện hôm 30/1, từ tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân HMS Vanguard, ngoài khơi  Florida, Mỹ.

Tên lửa dự kiến sẽ bay khoảng 6.000km từ bờ biển Florida đến một mục tiêu giả định ở Đại Tây Dương giữa Brazil và Tây Phi.

leftcenterrightdel
 Bộ Quốc phòng xác nhận đã xảy ra sự cố bất thường khi phóng Trident 2 trong cuộc diễn tập trận ngoài khơi Florida. Ảnh: Getty.

Một nguồn tin nói, tên lửa Trident 2 nặng 60 tấn với đầu đạn giả đã được phóng lên không trung trong cuộc diễn tập, nhưng tầng đẩy giai đoạn đầu của tên lửa không đánh lửa và tên lửa đã rơi xuống biển, gần tàu ngầm.

Theo nguồn tin, lỗi này xảy ra ở bộ dụng cụ thử nghiệm và vụ phóng có thể thành công nếu sử dụng đầu đạn hạt nhân thực sự.

Bộ Quốc phòng Anh xác nhận Bộ trưởng Quốc phòng Grant Shapps và Đô đốc Ben Key- Tư lệnh Hải quân Anh đã có mặt trên tàu HMS Vanguard vào thời điểm thực hiện vụ thử nghiệm. 

Hôm 21/2, Bộ trưởng Shapps nói, cuộc thử nghiệm có bất thường này “Không ảnh hưởng gì đến độ tin cậy của các hệ thống cũng như kho dự trữ tên lửa Trident. Cũng không có bất kỳ tác động nào đến khả năng khai hỏa vũ khí hạt nhân của chúng tôi, nếu có tình huống mà chúng tôi cần phải làm như vậy”.

leftcenterrightdel
 Tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân HMS Vanguard của Hải quân Anh. Nguồn: Thesun.

“HMS Vanguard và thủy thủ đoàn của nó đã được chứng minh là có đầy đủ khả năng vận hành Hệ thống răn đe liên tục trên biển của đất nước, vượt qua tất cả các bài kiểm tra trong hoạt động vận hành thử gần đây, một cuộc kiểm tra định kỳ để xác nhận tàu ngầm có thể trở lại hoạt động sau khi bảo trì sâu. Cuộc thử nghiệm đã tái khẳng định tính hiệu quả khả năng răn đe hạt nhân của Vương quốc Anh, điều mà chúng tôi hoàn toàn tin tưởng.”, người phát ngôn BQP Anh nói. 

Bất  chấp vụ thử thất bại, nhà sản xuất tên lửa Lockheed Martin khẳng định, tên lửa Trident 2 vẫn là một trong những hệ thống vũ khí tiên tiến và đáng tin cậy nhất trên thế giới, đã được thử nghiệm thành công với con số kỷ lục 191 lần, kể từ năm 1989.

Anh đã bắn 12 tên lửa Trident 2 kể từ khi vũ khí này được đưa vào trang bị cho Hải quân vào năm 1994. Nhưng hai quả bắn gần đây nhất đều thất bại.

leftcenterrightdel
 Một số thông số của tàu ngầm hạt nhân HMS Vanguard của Hải quân Anh. Nguồn: Thesun.

Trong vụ thử vào tháng 6/2016, tên lửa Trident 2 đã phóng ra khỏi tàu HMS Vengeance và tầng đẩy của nó đã kích nổ thành công. Nhưng sau đó tên lửa chuyển hướng, được cho là hướng về phía Mỹ và hệ thống tự hủy được kích hoạt.

Lần phóng Trident thành công gần đây nhất của Anh diễn ra vào tháng 10/2012, khi HMS Vigilant phóng tên lửa sau quá trình tái trang bị và thử nghiệm trên biển.

Hải quân Anh hiện có 4 tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo chạy bằng năng lượng hạt nhân, đều được trang bị tên lửa Trident 2 D5 do Mỹ chế tạo, có tầm bắn khoảng 12.000 km.

leftcenterrightdel
 Vụ phóng Trident thất bại năm 2016 của Hải quân Anh. Nguồn: Thesun.

Chi phí hoạt động hàng năm của hệ thống răn đe hạt nhân của Anh ước chiếm khoảng 6% ngân sách quốc phòng của đất nước, tương đương khoảng 3,79 tỉ USD cho năm 2023/2024.

Tên lửa Trident 2 có giá thành khoảng 21,5 triệu USD, được thiết kế để phóng tới rìa không gian, đạt tốc độ khoảng 22.000 km/h, trước khi quay trở lại bầu khí quyển Trái đất với trọng tải có sức tàn phá khủng khiếp của 12 đầu đạn hạt nhân.

Chúng lần đầu tiên được đưa vào phục vụ trong Hải quân Mỹ cách đây 34 năm.

Văn Phong/Thesun, CNN